Đề xuất 'khóa' hẳn đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ

Cập nhật 19/11/2018 10:10

UBND Q.1 (TP.HCM) đề xuất trong năm 2019 cấm xe lưu thông trên đường Nguyễn Huệ thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Tới năm 2020 sẽ cấm tất cả các ngày trong tuần.

UBND Q.1 muốn cấm hoàn toàn xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ
ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đến 2020, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông

UBND Q.1 gửi văn bản đề nghị Sở GTVT TP.HCM điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo đó, UBND Q.1 cho rằng phố đi bộ Nguyễn Huệ có khu vực quảng trường, nơi có nhiều du khách và người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí thường xuyên băng ngang đường. Tuy nhiên hiện đường này mới chỉ cấm các loại phương tiện lưu thông từ 19 - 23 giờ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Việc hạn chế xe lưu thông này cũng chưa có quyết định chính thức của UBND TP.HCM.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cho du khách trong hoạt động đặc thù tại khu vực đường Nguyễn Huệ, lãnh đạo địa phương đề nghị Sở GTVT nghiên cứu tổ chức cấm tất cả các loại xe có tải trọng trên 1,5 tấn vào đường Nguyễn Huệ (đảm bảo tải trọng tối đa mặt đường); hạn chế tốc độ giao thông trên đường Nguyễn Huệ từ 10 - 20 km/giờ; cấm dừng, cấm đậu đối với tất cả các phương tiện giao thông trên lòng đường Nguyễn Huệ; lập lộ trình cấm lưu thông tất cả phương tiện lưu thông vào đường Nguyễn Huệ nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của khu vực.

Trước mắt, năm 2019 tăng thêm thời gian cấm đường cả ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, tiến tới cấm lưu thông tất cả các ngày trong tuần vào năm 2020; thiết lập lộ trình lưu thông trên tuyến Nguyễn Huệ và Lê Lợi đảm bảo an toàn giao thông, phù họp với hoạt động của phố đi bộ.

Dồn áp lực giao thông cho đường khác

Trước đề xuất của UBND Q.1, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng hiện phố đi bộ Nguyễn Huệ mới cấm xe thời gian ngắn như vậy đã kéo theo nhiều xáo trộn, nay nếu "đóng" toàn bộ tuyến đường sẽ gây nhiều hệ lụy. Không chỉ dồn áp lực giao thông sang hai tuyến đường nhỏ, một chiều là đường Đồng Khởi và Pasteur, việc tổ chức giao thông cho một loạt các công trình khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại lớn nhất thành phố dọc tuyến này cũng là bài toán cần giải.

Theo ông Sơn, trước đây TP.HCM quy hoạch Nguyễn Huệ thành phố đi bộ hơi vội vã, chủ yếu để nhanh chóng phục vụ các dịp lễ hội nên chưa cân nhắc kỹ lưỡng, khiến tuyến đường này đánh mất nhiều cơ hội. Thứ nhất, đường Nguyễn Huệ thiếu bãi đậu xe ngầm lớn, thiếu không gian ngầm kết nối với tuyến metro trong tương lai. Trước sau gì đường này cũng phải làm lại vì một phố đi bộ lớn như thế, ở ngay khu vực trung tâm thì không thể không có bãi đậu xe. Thứ hai, hiện đường Nguyễn Huệ thiếu trầm trọng không gian xanh. Cả tuyến đường là một sân bê tông lớn nắng nóng hầm hập, vừa không thân thiện với môi trường, vừa bất tiện cho du khách. Bên cạnh đó, phố đi bộ hiện nay thiếu sự kết nối với các công trình hai bên, làm giảm khả năng khai thác thương mại.

Đường Nguyễn Huệ thiếu không gian xanh - ĐẬU TIẾN ĐẠT

"Thành lập phố đi bộ không chỉ đơn giản là một quyết định hành chính. Cần xem xét tổng thể vấn đề giao thông và việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiện nay nếu muốn có một phố đi bộ hoàn toàn tại khu vực trung tâm, chỉ có đường Đồng Khởi là lựa chọn hợp lý nhất. Đường Đồng Khởi nhỏ, không gian đẹp, có bóng mát, quan trọng nhất là phương tiện có thể lưu thông qua đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ, không xảy ra trường hợp dồn phương tiện như khi "đóng" đường Nguyễn Huệ. Đối với đường Nguyễn Huệ, không những không nên cấm xe nguyên tuần mà nên cân nhắc làm ngược lại, chỉ cấm xe vào dịp lễ, hội và cần tổ chức một tuyến giao thông công cộng chạy đoạn ngắn để phục vụ người già, trẻ nhỏ" - ông Sơn đề xuất.

KTS Phạm Phú Cường cũng đánh giá thực tế cho thấy, từ khi đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ, lượng phương tiện đổ dồn ra đường Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn tăng lên đáng kể. Bây giờ nếu "khóa" lại, chỉ để cho người dân đi bộ thì lượng phương tiện sẽ đổ dồn ra phía ngoài, lại phải giải quyết bài toán giao thông vành đai.

"Điểm yếu lớn nhất của TP.HCM hiện nay là chưa tổ chức được mạng lưới giao thông ngầm, khiến việc thiết kế không gian đi bộ gặp nhiều rào cản. Mấu chốt vẫn là giao thông ngầm. Chỉ khi các tuyến metro hình thành, hệ thống xe buýt phát triển thì mới có thể tính nhiều phương án thiết kế phố đi bộ”, ông Cường nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên