Đề xuất có khu kinh tế Long An trên trục kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang

Cập nhật 29/11/2018 10:11

Trong phương án quy hoạch chung xây dựng dọc trục hạ tầng giao thông kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang, đoạn qua tỉnh Long An, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành khu kinh tế Long An trong quy hoạch phát triển không gian của trục này.

Các đại biểu tại buổi làm việc hôm nay, 28-11, ở tỉnh Long An. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi làm việc về phương án quy hoạch chung xây dựng dọc trục hạ tầng giao thông kết nối TPHCM - Long An - Tiền Giang được tổ chức hôm nay, 28-11 ở tỉnh Long An, ông Đỗ Ngọc Hoàn, Giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng thiết kế, quy hoạch thuộc Viện quy hoạch xây dựng miền Nam (đơn vị tư vấn) cho biết, định hướng phát triển không gian của trục động lực TPHCM - Long An - Tiền Giang, đoạn qua tỉnh Long An đi ngang 4 huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc gồm có 2 phương án quy hoạch được đề xuất.

Trong đó, theo ông Hoàn, đối với phương án 2, song song với quy hoạch của các huyện, thì vừa qua tỉnh Long An và Công ty cổ phần Him Lam có đề xuất thành lập khu kinh tế tỉnh Long An trên địa bàn huyện Cần Giuộc và Cần Đước. “Vì vậy, chúng tôi cũng cập nhật các ý tưởng chính vào trong định hướng phát triển không gian của trục động lực TPHCM- Long An- Tiền Giang”, ông cho biết.

Trục động lực TPHCM - Long An - Tiền Giang có điểm đầu tại Km 3+00, đường Phạm Hùng (TPHCM) và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (Tiền Giang).

Dự án do Công ty cổ phần Him Lam đề xuất có tổng mức đầu tư trên 21.600 tỉ đồng
Theo ông Hoàn, phương án 2 khác với phương án 1, đó là thay vì khu vực phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Cần Đước được bố trí dọc sông (phương án 1), thì định hướng phát triển công nghiệp dọc sông sẽ giảm bớt đi trên địa bàn Cần Đước ở phương án 2.

“Chúng ta sẽ tập trung phát triển đô thị trên địa bàn Cần Đước và Cần Giuộc với quy mô của khu kinh tế Long An khoảng 32.000 héc ta, nằm trong vùng lõi của huyện Cần Giuộc và Cần Đước”, ông cho biết.

Ngoài ra, theo ông Hoàn, đối với phương án 2, trong quy hoạch phát triển không gian trục động lực nêu trên, thì với huyện Châu Thành, nếu phương án 1, khu vực tiếp giáp với thành phố Tân An có quỹ đất phát triển đô thị, thì với phương án 2 sẽ giảm bớt đất dự trữ phát triển đô thị ở khu vực này của huyện Châu Thành.

Bên cạnh đó, ông Hoàn cho biết, qua đánh giá lại các quỹ đất khác về mức độ phát triển đô thị, thì do đề xuất định hướng phát triển khu kinh tế tỉnh Long An, cho nên, phát triển đô thị sẽ tập trung ở vùng lõi của khu kinh tế. Trong khi đó, các khu chức năng như công nghiệp cũng như các chức năng phụ trợ khác sẽ nằm tiếp giáp với vùng lõi của đô thị này.

“Vì vậy, về định hướng, thì gần như cực phát triển trong 4 huyện (Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành) sẽ nằm trong khu vực kinh tế của tỉnh”, ông Hoàn cho biết và nói rằng phương án 2 về mặt đề xuất của đơn vị tư vấn là phương án chọn.

Giải thích thêm thêm việc chọn phương án này, tức đề xuất hình thành khu kinh tế tỉnh Long An trong quy hoạch không gian của trục động lực TPHCM- Long An- Tiền Giang, ông Hoàn cho rằng, dù chưa được Thủ tướng phê duyệt, nhưng với thực trạng là nếu như xây đường vành đai 4 cũng như phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước (TPHCM) và khu kinh tế tỉnh Long An hình thành, thì đây sẽ là định hướng phát triển tương đối rõ, tức khu vực phía Đông 4 huyện, gồm Cần Đước, Cần Giuộc sẽ chủ yếu phát triển công nghiệp và đô thị; Tân Trụ và Châu Thành phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các chức năng khác sẽ phát triển ở phần còn lại trên địa bàn 4 huyện.

Đi đôi với đề xuất hình thành khu kinh tế tỉnh Long An trong quy hoạch phát triển không gian trục động lực nêu trên, ông Hoàn cũng đề xuất định hướng phát triển giao thông, mà cụ thể là đề xuất hình thành ở 4 huyện như nêu trên 2-3 trục ngang cắt trục dọc động lực TPHCM - Long An - Tiền Giang.

Trước đó, hồi tháng 3-2018, tại buổi làm việc của Công ty cổ phần Him Lam và UBND tỉnh Long An, đơn vị này đã đề xuất thành lập khu kinh tế mở tại tỉnh Long An, có tổng diện tích hơn 32.300 héc ta, trải rộng trên địa bàn 2 huyện gồm Cần Giuộc và Cần Đước.

Theo báo cáo đề xuất này, khu kinh tế mở có các thành phần gồm, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp và cảng biển quốc tế, ở giữa lõi là khu đô thị. Trong đó, đất đô thị gần 15.000 héc ta, đất công nghiệp - cảng biển gần 5.900 héc ta và đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 héc ta...

Tại buổi làm việc hôm nay, 28-11, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, mặc dù ý tưởng của tỉnh và nhà đầu tư là hình thành khu kinh tế Long An. Tuy nhiên, qua làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù được ủng hộ nhưng phải sau năm 2020.

“Mặc dù sau năm 2020 mới biết Chính phủ cho hay không, nhưng cái gì cái chúng ta phải chuẩn bị, chúng ta có định hướng phát triển khu kinh tế này, thì trong đồ án phải kết hợp định hướng này”, ông Cần nói.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG