“Từ 1-6-2012, không cho phép sử dụng cần trục tháp có tay cần nằm ngang trên địa bàn”. Đó là đề xuất trong dự thảo về chỉ thị quản lý, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn TP do Sở Xây dựng TP.HCM soạn thảo, chuẩn bị trình UBND TP.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: Khi dự thảo được thông qua, trong thời gian chuyển tiếp các loại cần trục tháp vẫn được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các điều kiện được dự thảo quy định. Đặc biệt, với loại cần trục tháp vươn khỏi phạm vi ranh đất công trình xây dựng (đang khiến người dân rất lo sợ khi lưu thông), chủ đầu tư phải xin phép Sở LĐ-TB&XH.
Các điều kiện hoạt động khá nghiêm ngặt: Phải có thời gian vận hành cụ thể; có kế hoạch chi tiết khi vận hành, kể cả phương án điều tiết giao thông, sơ tán người bên dưới; có biện pháp đảm bảo an toàn cho trong và ngoài công trình xây dựng. Hồ sơ xin phép hoạt động phải có bản vẽ thể hiện vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động; vị trí các chướng ngại vật, công trình bên dưới… Sở LĐ-TB&XH phải lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan về việc cho phép loại cần trục này hoạt động. “Quy định này không phải gây khó cho chủ đầu tư mà nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản phía dưới tầm hoạt động của cần trục tháp” - ông Hiệp giải thích.
Cần trục tháp vươn ra trong khu vực đông người de dọa tính mạng người đi đường khi xảy ra sự cố. Ảnh: HTD
|
Một số tai nạn do cần trục tháp gây ra
- Tháng 1-2011, cần cẩu tháp tại công trình thi công dự án Khu tái định cư - công viên cây xanh - thể dục thể thao ở phường 12, quận Bình Thạnh bị sập làm một người chết, một người bị thương nặng. Trước đó, vụ ngã gãy cần trục tháp khi xây dựng cao ốc Centec Tower tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 đã làm nhiều người bị thương.
- Tại Hà Nội, tháng 7-2010, quá trình tháo dỡ cần trục tháp tại tòa nhà 14 tầng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xảy ra sự cố làm chết ba người.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP