Đất sử dụng sai mục đích: Chỉ bồi thường theo giá đất nguyên trạng

Cập nhật 30/07/2007 11:00

Theo ông Lê Ngọc Khoa, Bộ tài chính thường xuyên nhận được nhiều phản ánh của người dân liên quan đến giá bồi thường đất. Tuy nhiên đa số các đơn thư, rơi vào những trường hợp không đủ điều kiện để được bồi thường đất. Đơn cử như đất nông nghiệp, nhưng người dân để xử dụng và xây cất nhà ở rồi đòi bồi thường theo giá đất ở. Hay đất ao những người dân sang lấp, lấn chiếm để làm vườn, làm ruộng… Trong những trường hợp này, các địa phương đều đã áp dụng các chính sách hỗ trợ công sức tôn tạo, chi phí đầu tư… nhưng người dân không chấp nhận đã khiếu kiện.

Vậy đất nào mới được bồi thường và giá bồi thường được tính như thế nào?

+Theo Nghị định 197 và Nghị định 17, muốn được bồi thường đất, người sử dụng đất phải có một trong những điều kiện sau đây: có “giấy đỏ”, có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền; sử dụng đất ổn định, được UBND cấp xác nhận không có tranh chấp và những loại giấy tờ đất hợp lệ; sử dụng đất ổn định từ trước 15-10-1993 v.v..

Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng đã đựơc UBND cấp tỉnh quy định (giá này sẽ được điều chỉnh nếu tại thời điểm thu hồi đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường). Cần lưu ý là nhà nước không bồi thường theo giá đất đã chuyển mục đích sử dụng sau khi thu hồi và cũng không bồi thường theo giá đất do thực tế sử dụng không phù hợp mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, đất nông nghiệp, nhưng người dân đã tự tôn tạo làm nhà, cửa hàng thì sẽ được đền bù theo giá đất nào?

+Nếu đất nông nghiệp được Nhà nước giao để làm nông nghiệp thì Nhà nước sẽ bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Người sử dụng sai mục đích thì không thể đòi hỏi nhiều hơn vì việc tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất là trái pháp luật.

Đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hay nằm ở mặt tiền đường thì sao, thưa ông?

+Theo nguyên tắc, đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hay nằm ở các đô thị thì cũng được bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế, người sử dụng đất sẽ được hỗ trợ thêm tối đa bằng 50% giá đất ở liền kề.

Rõ ràng là để bồi thường đất cho chính xác, chính quyền phải căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai và quyết định thu hồi đất của từng dự án. Thu hồi đất nào thì bồi thường theo giá đất đó chứ không đơn thuần theo loại đất đang sử dụng trên thực tế. Khi duyệt phương án bồi thường, các địa phương cần công khai, trao đổi với dân từng trường hợp cụ thể như đất ở vị trí đó được áp dụng giá bao nhiêu… Trường hợp giá đất bồi thường chưa phù hợp như Nghị định 17 đã nêu ở trên, chính quyền phải nhanh chóng điều chỉnh theo giá thị trường. Tất nhiên nếu trong một khu vực mà hầu hết đều nhận bồi thường và đã di dời, chỉ còn cá biệt một vài hộ không chịu đi thì không thể nói gía bồi thường đó không phù hợp.

Nhiều người còn bức xúc khi giá đất bồi thường ở những vùng giáp ranh giữa hai tỉnh chênh lệch nhau rất nhiều, tỉnh này bồi thường cao nhưng tỉnh kia lại bồi thường thấp. Việc này sẽ được khắc phục như thế nào?

Đúng là có nhiều trường hợp đất cạnh nhau nhưng mỗi mảnh thuộc hai địa phương khác nhau nên giá bồi thường đã vênh nhau. Để hạn chế tình trạng này, Chính phủ đang giao bộ chức năng nghiên cứu đề xuất chỉnh sửa Nghị định 188 năm 2004 (Về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất), trong đó có việc sử lý những trường hợp đất giáp ranh. Nhiều khả năng giá đất bồi thường tại các vùng giáp ranh sẽ không còn quá cách biệt như lâu nay nữa.

Xin cảm ơn ông.

Theo Lê Thanh – Pháp Luật