Đánh thức đô thị bắc sông Hồng

Cập nhật 03/08/2011 09:55

Với mặt cắt ngang 100m và được thiết kế 6 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, trục giao thông cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài đã được Bộ GTVT khởi công sáng qua, được cho là dự án kết nối hàng loạt đô thị khu vực bắc sông hồng.

Với 6 làn đường chuẩn cao tốc, sau khi hoàn thành trục GT cầu Nhật Tân - Nội Bài sẽ rút ngắn trung tâm Hà Nội đi Nội Bài còn 15 km.

Rút từ 30km xuống còn 15km

Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, dự án xây dựng đường nối sây bay Nội Bài với cầu Nhật Tân có tổng mức đầu tư trên 4.900 tỷ đồng, chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Chính phủ. Ban Quản lý dự án 85 – PMU 85 (Bộ GTVT) là đại diện chủ đầu tư.

Theo ông Dũng, đây là công trình trọng điểm có tác động rất lớn đến hạ tầng giao thông Thủ đô. Cụ thể, sau khi hoàn thành dự án sẽ tạo ra một hệ thống giao thông mới giảm áp lực quá tải trên tuyến đường Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện nay đồng thời hoàn chỉnh trục kết nối chính Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với trung tâm Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Dự án cũng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Hà Nội, tạo nên một hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung”, ông Dũng nói.

PMU 85 cho biết, dự án đường nối sân bay Nội Bài với cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 12,2 km, điểm đầu là nút giao Nam Hồng (đường dẫn phía Bắc cầu Nhật Tân), điểm cuối là nút giao cắt giữa đường Bắc Thăng Long với QL 2. Quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật dự án được thiết kế theo đường đô thị với 6 làn xe, vận tốc 80km/h.

Mặt cắt tuyến đường 80 - 100m. Toàn tuyến có 8 cầu được thiết kế vĩnh cửu theo kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. So với 30 km từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài theo đường Bắc Thăng Long như hiện nay, sau khi dự án hoàn thành, quãng đường này được rút ngắn xuống còn 15km. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đầu năm 2014.

Đánh thức đô thị bắc sông Hồng

Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thi công tổ chức giao ban hằng tháng với TP Hà Nội để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho rằng, ngoài phục vụ giao thông, tuyến đường cầu Nhật Tân - Nội Bài còn nhiệm vụ thúc đẩy các đô thị khu vực bắc sông Hồng phát triển. Theo ông Châm, tuy nằm ở vị trí thuận lợi cả đường bộ lẫn thuỷ nhưng do giao thông không phát triển nên kinh tế - xã hội của địa phương vẫn dựa vào nông nghiệp là chính.

“Ngoài trách nhiệm phối hợp tốt để sớm hoàn thành dự án đúng tiến độ, lãnh đạo huyện cũng hy vọng tuyến đường đi vào hoạt động sẽ là động lực để kinh tế địa phương phát triển và kết nối được với các vùng đô thị khác”, ông Châm nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ngoài rút ngắn khoảng cách giữa Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với vùng lõi Thủ đô, sau khi hoàn thành, dự án còn có tính kết nối giữa các tuyến vành đai và 3 cụm đô thị lớn là Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên; Đông Anh; Mê Linh - Đông Anh ở khu vực mở rộng phía bắc sông Hồng. “Vì vậy Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cần có sự chỉ đạo sát sao các đơn vị có liên quan thực hiện đúng tiến độ, chất lượng dự án”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18 với tổng chiều dài khoảng 98 km, số vốn đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng, đi qua các tỉnh thành là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Tại Hà Nội đường vành đai 4 sẽ đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông (TP Hà Nội). Theo Quy hoạch, đường vành đai 4 có 6 làn xe cao tốc, mặt cắt 120m, vận tốc thiết kế 100 km/h.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong