Dân sốt ruột chờ một giấy nhà đất

Cập nhật 14/07/2009 08:25

Thủ tục đơn giản, dễ dàng là mong đợi của người dân khi áp dụng cấp giấy tờ nhà đất mới. Ảnh: HTD

Quan trọng nhất là trình tự, thủ tục cấp một giấy sao cho đơn giản, dễ dàng. Giấy hồng, giấy đỏ đã cấp trước đây không bị buộc đổi sang giấy mới và vẫn có giá trị pháp lý.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8 tới. Theo đó, sẽ gộp hai giấy là giấy đỏ cho đất, giấy hồng cho nhà vào một loại giấy thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành. Như vậy, sau nhiều năm nhà nước ta tách giấy cho đất riêng, giấy cho nhà riêng thì nay sắp quy về một mối.

Đổi giấy cũ sang giấy mới: Miễn phí

Tên giấy chung cho nhà đất mới là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ xác nhận quyền sở hữu vào giấy chứng nhận mới khi có yêu cầu của chủ sở hữu.

Cơ quan quản lý TN&MT cấp tỉnh, cấp huyện là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trình UBND cùng cấp cấp giấy chứng nhận mới cho dân.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, các loại giấy chứng nhận cũ cấp trước ngày 1-8-2009 như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình vẫn có giá trị pháp lý và không cần đổi sang giấy chứng nhận mới. Trường hợp nào có nhu cầu đổi thì được đổi sang giấy mới và được miễn lệ phí.

Sớm ban hành nghị định hướng dẫn


Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc TP.HCM đã chuẩn bị thực hiện một giấy từ ngày 1-8 ra sao, ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Nếu chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời thì vào ngày 1-8 chưa thể áp dụng cấp một giấy ngay được. Trong thời gian đó, việc cấp giấy chứng nhận vẫn được giải quyết theo trình tự, thủ tục cũ. Nghĩa là đất có nhà hoặc chỉ có nhà thì được cấp giấy hồng theo Nghị định 90 năm 2006, còn đất trống thì cấp giấy đỏ theo Nghị định 181 năm 2004”.

Việc cấp giấy hồng tại TP.HCM đang được thực hiện theo Quyết định 54 của UBND TP năm 2007. Ông Hùng cho biết theo ông thì sắp tới, TP sẽ phải sửa đổi hoặc thay thế Quyết định 54 do giấy mới có nhiều điểm khác với giấy hồng, giấy đỏ hiện hành. Quyết định mới quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy, sự phối hợp giữa hai cơ quan đất và nhà, mẫu giấy, bản vẽ... sẽ do cơ quan đầu mối là Sở TN&MT soạn thảo.

 

Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Thủ tục phải đơn giản, đúng hẹn

Bình luận về việc hợp nhất một giấy, bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê - Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú (TP.HCM) cho rằng điều này có ý nghĩa về mặt quản lý nhiều hơn là cho người dân.

Việc thống nhất một đầu mối quản lý là cơ quan TN&MT theo luật mới nhằm tránh tình trạng hễ đất có nhà thì phòng quản lý đô thị quản, đất trống lại giao bên TN&MT quản, gây khó khăn cho việc cập nhật biến động về đất đai.

Bà Khuê khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng có vấn đề mất quyền lợi của bên nào ở đây mà phân công cho rõ và hợp lý công việc của từng cơ quan, bộ phận trên một nền tảng thống nhất. Về việc giải quyết một giấy sắp tới, tôi cho rằng cũng không gây xáo trộn lớn đối với cơ quan quản lý nhà nước. Còn về phía người dân, điều quan trọng nhất là khi ban hành ra chính sách mới không bắt họ phải đi đổi giấy, giấy cũ vẫn còn nguyên giá trị để họ giao dịch”.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, người dân không quan tâm nhiều lắm đến việc một giấy hay hai giấy hoặc cơ quan nào cấp. Điều quan trọng nhất là trình tự, thủ tục như thế nào, làm sao để đơn giản, dễ dàng, không bị bổ túc nhiều lần và đến hẹn là có giấy. Do đó, cần cải tiến thủ tục, minh bạch trong chính sách.

“Một giấy thì đỡ tốn kém cho nhà nước hơn trước. Chưa kể quy trình cấp giấy được rút gọn mà hợp nhất một giấy cũng sẽ bớt một lượng lớn hồ sơ lưu. Hồ sơ được lưu trữ tại một cơ quan, cần lục lọi, kiểm tra cũng không mất thời gian, việc quản lý cũng nhẹ nhàng hơn. Về phía người dân, một giấy thuận tiện cho họ nhiều lắm. Ở Củ Chi hiện có rất nhiều trường hợp người dân có thửa đất trồng cây lâu năm, trên đất đó có một phần là đất ở, có xây nhà. Người dân được cấp đến hai loại giấy: Giấy đỏ cho đất, giấy hồng cho nhà. Khi chuyển nhượng nhà lẫn đất, người mua phải làm thủ tục sang tên đối với cả hai loại giấy trên rất phiền phức”. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Trưởng phòng TN&MT huyện Củ Chi, nêu ví dụ.

 

Ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam:

Phải sửa lề lối làm việc


Quốc hội hợp nhất giấy đỏ, giấy hồng thành một giấy cho nhà, đất là theo nguyện vọng của người dân. Điều này đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục nạn cửa quyền, tham nhũng. Người dân sẽ thuận lợi hơn khi làm thủ tục về nhà, đất. Tuy nhiên, thực hiện một giấy đòi hỏi cơ quan nhà nước phải sửa đổi lề lối làm việc. Trước đây, bộ nào lo bộ đó, giờ các cơ quan này phải phối hợp với nhau, phải tập hợp hồ sơ lại một mối.
 

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP