Dân được góp đất làm dự án nhà ở

Cập nhật 09/06/2007 17:00

Ngày 8.6, tại hội nghị triển khai Nghị định (NĐ) 84 do Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức, vấn đề đền bù giải tỏa và việc người dân có thể tự đầu tư dự án hoặc góp vốn lập dự án đầu tư bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Theo đại diện Bộ TN-MT, đây là những điểm mới, mang tính đột phá của NĐ 84, chủ yếu xuất phát từ thực tế vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa tại TP.HCM.

Chủ đầu tư dự án nhà ở phải thỏa thuận với người dân

Ông Bùi Ngọc Tuân - Vụ phó Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) - cho biết, NĐ 84 sẽ góp phần tháo bỏ những vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa, góp phần đẩy nhanh tiến độ của các dự án do Nhà nước thu hồi đất. Điều 40 của NĐ 84 quy định: "Nếu những dự án do Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư đề nghị được phép thỏa thuận với người dân để giải tỏa nhưng không đạt được thỏa thuận thì sau 180 ngày (kể từ ngày có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh cho phép thực hiện theo phương thức thỏa thuận), Nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi diện tích đất chưa thỏa thuận được".

Ông Tuân nói rõ hơn: "Đối với dự án dạng này, dù nhà đầu tư chưa tiến hành thỏa thuận được để đền bù giải tỏa trường hợp nào, thì sau 180 ngày, cấp có thẩm quyền cũng sẽ phải ra quyết định thu hồi. Nếu thỏa thuận được 30 -50% diện tích đất trong phạm vi dự án, số còn lại gặp khó khăn thì nhà đầu tư có thể đề nghị Nhà nước ra quyết định thu hồi".

Nhiều doanh nghiệp (DN) nêu câu hỏi: Trường hợp nào thì Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào không thu hồi? Ông Tuân trả lời: "Các trường hợp nằm ngoài những dự án sau đây thì không thuộc danh mục các dự án do Nhà nước thu hồi đất: dự án xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất; dự án xây dựng khu đô thị mới; dự án có sử dụng nguồn vốn ODA; dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài; các dự án thăm dò khai thác khoáng sản; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Như vậy, các dự án nhà ở chiếm một tỷ trọng khá lớn trong hơn 1.000 dự án đang thực hiện tại TP.HCM đều nằm ngoài phạm vi thực hiện quy định Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất nói trên và DN vẫn phải tự thỏa thuận với người dân khi đền bù giải tỏa.

Tin vui cho người dân trong "vùng giải tỏa"

Một điểm mới của NĐ 84 là quy định cho phép người dân có thể tự đầu tư trên đất đang sử dụng trong trường hợp đất thuộc diện thu hồi để đầu tư DA có mục đích sản xuất kinh doanh hoặc xây dựng kinh doanh nhà ở. Ông Bùi Ngọc Tuân khẳng định: "Với quy định này, nhà đầu tư và người có đất có thể liên doanh, liên kết với nhau để thực hiện dự án".

Một vị lãnh đạo của Sở TN-MT TP.HCM cho biết: "Thực tế tại TP.HCM có rất nhiều trường hợp người dân có diện tích đất nông nghiệp lớn, có nhu cầu đầu tư hoặc góp QSDĐ để đầu tư. Quy định cho phép nhiều người dân đang sử dụng đất liền kề nhau có thể làm đơn đề nghị tự đầu tư dự án sẽ tạo ra một bước đột phá mới cho các dự án nhà ở. Mặt khác nếu có sự liên kết đầu tư giữa những người dân có đất với các DN thì dự án sẽ được triển khai nhanh chóng hơn". Cũng theo vị lãnh đạo Sở này thì: "Quy định mới trong NĐ 84 sẽ là lối ra cho nhiều dự án, bởi những người dân có diện tích đất lớn thường có khả năng về tài chính và do vậy rất khó thỏa thuận đền bù giải tỏa. Khi đã liên kết với các DN, họ sẽ tập trung nguồn lực để cùng DN kinh doanh ngay trên đất của mình". Tuy nhiên, một số DN cũng đề nghị cần có thông tư hướng dẫn cụ thể vấn đề này để tránh xảy ra tranh chấp trong quá trình liên kết đầu tư.

Điều kiện để người có đất tự đầu tư hoặc góp vốn bằng QSDĐ để lập dự án đầu tư quy định tại NĐ 84:

Có diện tích đất đang sử dụng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng, phù hợp với quy mô công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Có đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư bảo đảm đạt yêu cầu và tiến độ theo dự án đã được chấp thuận.


Theo Trần Thanh Bình - Thanh Niên