Thành phố xác định quy hoạch không gian đô thị hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển.
Hiện thành phố đã phát triển nhanh các đô thị mới quy mô 500 - 1.000 ha, hình thành các khu công nghiệp thân thiện môi trường và triển khai nhiều dự án bất động sản.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết, định hướng phát triển của Đà Nẵng đến năm 2020 là trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính - ngân hàng, văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật và công nghệ của miền Trung.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng của vùng, quốc gia và quốc tế.
Để phát triển không gian đô thị Đà Nẵng theo hướng đô thị nén, phát triển theo chiều cao và đa trung tâm thì cần phải thiết lập hệ thống giao thông công cộng, giao thông ngầm, giao thông khác mức (cầu vượt) và giao thông tĩnh (các bãi đậu xe).
Tới đây, chính quyền Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh tiến độ một số công trình mang tính động lực như cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế, ga đường sắt mới...
Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đề xuất ý tưởng xây dựng Đà Nẵng thành đô thị nước và ánh sáng từ các yếu tố đặc trưng của tự nhiên như sông, hồ, biển, núi... với yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo.
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại cho rằng, Đà Nẵng chưa trở thành điểm đến của các doanh nghiệp lớn, sức hấp dẫn của đô thị Đà Nẵng chưa có…, vì vậy có thể phát triển Đà Nẵng thành một thành phố sự kiện để tạo điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc hướng đến một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đào tạo...,để từ đó tổ chức đường không thuận tiện cho các lĩnh vực này phát triển.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư