Công trình tạm được xây năm tầng

Cập nhật 24/09/2010 07:40

Công trình tạm sẽ không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch. Chưa có giấy tờ, bị sai sót diện tích: Cũng được xem xét.

Hôm nay (24-9), Quyết định 68 của UBND TP.HCM thay thế Quyết định 04/2006 về cấp phép xây dựng trên địa bàn TP bắt đầu có hiệu lực.

Chủ đầu tư cần cân nhắc lợi ích


* Thưa ông, điểm mới nhất của QĐ 68 so với trước nay là quy định nhà ở (có giấy chứng nhận) trong vùng quy hoạch treo có thể được xây tối đa năm tầng. Trước đó, QĐ 04/2006 chỉ cho phép làm nhà tạm một trệt, một gác, kết cấu bán kiên cố. Tại sao có sự thay đổi táo bạo này?

Ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Tại khu trung tâm có nhiều khu vực đang kêu gọi đầu tư nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, chưa xác định được khi nào thực hiện dự án. Trong khi đó, khả năng sinh lợi của những vùng này rất lớn và nhanh, nếu ta hạn chế quyền xây dựng sẽ làm thiệt thòi quyền lợi của người dân. Lại nữa, lâu nay nhà xây dựng tạm chỉ được phép xây bán kiên cố, chủ nhà thường chọn xây kiên cố do giá thành hai loại này không chênh lệch mấy thì lại bị xử phạt, thậm chí có nơi bắt tháo dỡ cũng là sự thiếu hợp lý.

Chính vì thế, Sở Xây dựng kiến nghị cho công trình tạm được xây tối đa năm tầng, vật liệu cũng được xác định luôn là bê tông kiên cố. Đề xuất này được lãnh đạo TP đồng ý. Dĩ nhiên, không phải nhà nào cũng được năm tầng mà phải xem xét có đủ tiêu chuẩn theo các văn bản về quản lý kiến trúc hiện hành như QĐ 135/2007, QĐ 45/2009 hay không… Chẳng hạn khu vực hẻm 2 m thì không thể xin xây tạm năm tầng được.


Trước khi có QĐ 68, nhà 159/52/21E Trần Văn Đang, quận 3 thuộc diện xây dựng tạm bán kiên cố nhưng do xây kiên cố nên bị buộc tháo dỡ. Ảnh: Cẩm Tú

Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ khi quyết định xin phép xây dựng tạm mấy tầng, bởi công trình tạm sẽ không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch.

* Quy định này quá mới và người dân có nhiều sự lựa chọn, liệu các quận, huyện có mạnh dạn tiếp nhận hay chờ Sở hướng dẫn?

Bắt đầu hôm nay (24-9), QĐ 68 có hiệu lực. Các cơ quan cấp phép đương nhiên phải áp dụng văn bản này để giải quyết cấp phép cho người dân. Trong tuần sau, Sở Xây dựng cũng sẽ trao đổi, tập huấn với các quận, huyện xem có vướng mắc gì không nhưng theo tôi thì không có lúng túng gì.

* Theo quy định mới, khu vực quy hoạch làm nhà ga, đường dự phóng, bến xe hay công viên, trường học, bệnh viện… mà chưa có quyết định thu hồi đất cũng được xem xét cho xây tối đa là năm tầng. Vậy trường hợp sử dụng đất nông nghiệp có được giải quyết không, thưa ông?

Sở Xây dựng nhận thấy tại những khu vực quy hoạch nhà ga, đường dự phóng… như quận 12 và Thủ Đức, nhu cầu xây dựng của người dân rất bức thiết. Dự án thì chưa xác định được khi nào làm, chính vì thế Sở mới kiến nghị như trên. Nhưng lưu ý công trình phải đáp ứng điều kiện là phù hợp với mục đích sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện ấy. Còn với đất nông nghiệp bị vướng quy hoạch nhà ga, đường dự phóng… có được xây tạm hay không thì tùy thuộc kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện ấy mà cơ quan này xem xét, quyết định. Ví dụ như quy hoạch tới 20 năm sau mới thực hiện, trong lúc này quận, huyện có thể xem xét giải quyết nhu cầu nào đó của người dân.

Chưa có giấy tờ, bị sai sót diện tích: Cũng được xem xét


* Trong QĐ 68 có đề cập trường hợp diện tích đất có chênh lệch so với giấy chứng nhận. Ông có thể nói rõ hơn?


Theo QĐ 68, nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004, phù hợp quy hoạch, không bị tranh chấp cũng được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, chủ trương là không khuyến khích dạng này mà người dân nên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hoàn chỉnh.

Trong quá trình cấp giấy, giữa diện tích thực tế và trên giấy cũng hay có chênh lệch do đo vẽ sai sót hoặc người dân kê khai sai… Hoặc sau khi xin phép xây dựng xong, chủ nhà phá dỡ nhà cũ để xây mới thì mới phát hiện diện tích thực tế lớn hơn trên giấy chứng nhận. Bấy lâu cơ quan cấp phép thường yêu cầu người dân phải đi làm lại giấy chứng nhận rồi xin lại giấy phép xây dựng, mất rất nhiều thời gian. Với quy định mới, người dân chỉ cần đi điều chỉnh giấy phép xây dựng theo diện tích đất thực tế (có sự xác nhận của UBND cấp xã là không tranh chấp) thì sẽ được giải quyết.

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý người dân phải kiểm tra kỹ về diện tích đất, bản vẽ xin cấp giấy, không nên giao phó hết cho đơn vị đo vẽ, đến khi cấp giấy xong thì mới phát hiện ra sai sót thì sẽ rắc rối hơn nhiều.

* Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP