Thủ tướng chính phủ vừa đồng ý (trên nguyên tắc) điều chỉnh quyết định số 101/QĐ - TTg về phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020”, trong đó có nội dung di dời ga Hoà Hưng ra phía ngoài. Xin có ý kiến về việc này để cùng trao đổi.
Nhu cầu lớn về đi lại của người dân giữa các khu vực trong đô thị cũng như giữa đô thị với các vùng miền lân cận tạo nên sự bùng nổ các phương tiện tham gia giao thông trên đường phố. Điều này gây khó khăn cho công tác duy tu, sửa chữa đường sá và là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông và tai nạn.
Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển các loại hình đường giao thông công cộng trong đô thị có một ý nghĩa rất quan trọng. Các phương tiện chạy trên đường sắt thông thường, monorail, đường xe điện, đường phố... đều có quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau. Đường sắt (trên cao, trên mặt đất, đi ngầm) thường đóng vai trò vận chuyển hành khách trên trục chính, các phương tiện khác đóng vai trò phân toả từ các ga đường sắt đến các điểm khác nhau và ngược lại.
Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến, việc sử dụng ngay chính cơ sở hạ tầng của mạng đường sắt quốc gia (nội - ngoại ô) để tổ chức vận chuyển một khối lượng lớn hành khách đi lại trong và ngoài thành phố cũng như ra các đô thị lân cận rất tiện lợi và ngày càng trở nên quan trọng.
Ở các nước này, các đoàn tàu dù chạy trên mạng đường riêng (tàu điện ngầm, monorail...) hay chạy chung trên mạng đường sắt nội - ngoại ô, khi thực hiện chức năng vận chuyển hành khách đô thị đều được coi như là tàu đô thị. Cần tránh ý kiến cho rằng chỉ có tàu điện ngầm mới thực hiện chức năng vận tải đường sắt đô thị.
Một số nước cho rằng giải quyết vấn đề giao thông đô thị không gắn với giao thông khu vực và cả đất nước nên đã mắc sai lầm không sửa được. Khi nghiên cứu quy hoạch đường sắt đô thị, các chuyên gia tư vấn của hiệp hội đường sắt Nhật Bản (JARTS) đã khẳng định: phải coi ga khách của đường sắt quốc gia là của đô thị, coi vận tải khách đường dài vào trung tâm thành phố là một bộ phận của vận tải khách đô thị.
Nhật Bản là một trong những nước có hệ thống giao thông đường sắt phát triển với 20.264km đường sắt thông thường khổ hẹp 1.067mm (bao gồm mạng đường sắt quốc gia kết nối các tỉnh, kể cả đi trong khu vực đô thị) và 3.204km đường sắt khổ 1.435mm (bao gồm mạng đường sắt cao tốc cùng hệ thống đường sắt ngầm). Đa số người dân Nhật tham gia giao thông bằng phương tiện đường sắt cho dù rất nhiều người có xe hơi riêng. Đó là lý do người dân Nhật ít bị chậm giờ làm việc vì giao thông.
Ở Tokyo, tuyến đường monorail bánh lốp cao su hoặc tuyến đường tàu không người lái bánh lốp cao su có khối lượng vận chuyển hành khách nhỏ nên chỉ có ý nghĩa thu gom hành khách cho các tuyến đường sắt; phục vụ du lịch kết hợp chuyển hành khách ra sân bay nội địa.
Các nước như Đức, Nga, Trung Quốc... đều có đường sắt - các nhà ga nằm trong khu vực trung tâm các thành phố lớn. Tuỳ từng nước, mức độ liên thông của hệ thống giao thông này và việc quy hoạch xây dựng có khác nhau, dẫn đến kết quả giải quyết ách tắc giao thông khác nhau. Việt Nam là nước phát triển sau, cần tham khảo, lựa chọn mô hình phù hợp.
Các ga Hoà Hưng, Thủ Thiêm nằm trong quy hoạch giao thông Tp.HCM đã được phê duyệt trước đây đều có cơ sở để đảm bảo kết nối tốt giữa các loại hình đường sắt. Theo đó ga Hoà Hưng là ga chính và quan trọng cho vận chuyển hành khách nội - ngoại ô.
Trên cơ sở bốn tuyến đường sắt quốc gia được nêu trong quy hoạch kèm quyết định này, sẽ tổ chức bốn vùng chạy tàu ngoại ô để vận chuyển hành khách tới các đô thị vệ tinh và các khu công nghiệp (Hoà Hưng - Biên Hoà - Xuân Lộc; Hoà Hưng - Phú Mỹ; Hoà Hưng - Chơn Thành; Hoà Hưng - Mỹ Tho), trên đó tàu đô thị chạy chung với tàu đường dài.
Với vị trí trung tâm, ga Hoà Hưng là vị trí thuận tiện nhất để trung chuyển hành khách và tổ chức vận chuyển hành khách đô thị trên bốn tuyến đường sắt nội - ngoại ô nêu trên. Nếu dời nó thì đường sắt nội - ngoại ô sẽ không còn điểm đến cũng như không có cách gì giải toả khách khi phần lớn đều đi vào trung tâm để từ đó đi ra các hướng.
Đây là một trong những điểm rất quan trọng phải lưu tâm khi xem xét thực hiện điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch mới.