Cơ hội thoát "treo” cho 27.709 căn hộ đang chờ cấp sổ hồng ở TP.HCM

Cập nhật 30/11/2020 11:26

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có chỉ đạo các Sở ngành liên quan tập trung tháo gỡ, cấp sổ hồng đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Nhiều dự án cư dân về ở đã lâu nhưng chưa được cấp sổ hồng (ảnh: Trọng Tín)

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận, truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan liên quan đến việc xác định diện tích đất ở, cấp sổ hồng, trách nhiệm quản lý công trình công cộng tại các dự án xây dựng nhà ở chung cư.

Phân 2 loại dự án để giải quyết

Theo đó, đối với các dự án xây dựng chung cư trên địa bàn Thành phố có thể chia thành 2 loại để đề xuất phương án giải quyết.

Loại 1: các dự án chung cư có tính chất biệt lập, chỉ có một số hạng mục công trình khép kín (như: bồn hoa, mảng xanh, hồ bơi, đường nội bộ…) thì toàn bộ diện tích đất dự án được xác định là đất ở để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) theo quy định.

Loại 2: các dự án lớn có nhiều hạng mục phục vụ công cộng, ngoài diện tích đất xây dựng công trình chung cư, còn có các công trình tiện ích khác (như: khu thương mại, khu thể dục thể thao, công viên, trường học, bệnh viện… các trục đường chính kết nối với đường giao thông công cộng bên ngoài chung cư) thì diện tích đất xây dựng chung cư để thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận, được xác định theo cơ cấu sử dụng đất của dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch và có thể chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1: nhóm đất xây dựng nhà ở (đất xây dựng chung cư), phải thu tiền sử dụng đất 100% diện tích phân bổ đất ở (bao gồm diện tích đã trừ mật độ xây dựng), cấp Giấy chứng nhận cho chủ đầu tư đủ diện tích đã đóng tiền sử dụng đất ở và nhà nước không quản lý diện tích này.

Nhóm 2: nhóm đất xây dựng công trình công cộng (công viên cây xanh, bệnh viện, trường học, thể dục thể thao) nhà nước lập thủ tục quản lý, sau đó mới quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có giải pháp cho thuê (khuyến khích cho chủ đầu tư dự án tham gia đầu tư và khai thác hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định).

Nhóm 3: nhóm đất xây dựng công trình giao thông hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…) chủ đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành để bàn giao cho nhà nước quản lý theo quy định. Đối với phần diện tích này sẽ không thu tiền sử dụng đất và không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tập trung tháo gỡ các điểm “nóng”

Về phương thức xử lý, đối với các dự án đã triển khai thực hiện trong giai đoạn trước đây, giao Sở Tài nguyên Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các quy định trước đây, kiểm tra thực tế xây dựng để phân loại dự án, nhóm đất xây dựng các công trình như trên để có cơ sở thu tiền sử dụng đất. Trước mắt, tập trung tháo gỡ, giải quyết đối với các dự án trọng điểm, có nhiều hộ dân, chủ đầu tư bức xúc.

Đối với các dự án mới bắt đầu triển khai, các đơn vị tham mưu phải xác định rõ, cụ thể ngay từ đầu từng loại đất xây dựng công trình nhà ở chung cư và các công trình khác để làm cơ sở thu tiền sử dụng đất ở và cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Giao Sở Tài nguyên Môi trường hệ thống hoá quy định pháp luật có liên quan từng thời kỳ, hoàn thiện lại đề xuất, lấy ý kiến Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và tham khảo Bộ Tài nguyên Môi trường, sau đó trình Thường trực UBND thành phố để thống nhất chủ trương áp dụng chung trên toàn thành phố, hoàn thành báo cáo trong thời hạn 1 tháng.
Ít nhất có 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu TP.HCM (Nguồn: HoREA)

Theo dữ liệu vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cập nhật, ít nhất 27.709 căn nhà thuộc 63 dự án bị treo sổ hồng và 88,4% số này có chủ đầu tư là các doanh nghiệp top đầu thành phố.

Dẫn đầu là Tập đoàn Hưng Thịnh (ghi nhận 7.944 căn), Tập đoàn Novaland (6.118 căn), Công ty Quốc Cường Gia Lai (3.414 căn), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (1.377 căn), Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (1.092). Ngoài ra, còn có hai công ty bất động sản khác lần lượt 3.489 căn và hơn 1.000 căn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, những dự án này đã bị treo sổ hồng trong khoản thời gian dài, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự của thành phố.

"Đây cũng là nỗi đau của người mua nhà vì có những lao động cả đời mới mua được chỗ an cư nhưng đến lúc mất vẫn chưa thấy được bằng chứng thành quả lẽ ra họ xứng đáng được nhận", ông Châu cho hay.

Liên quan đến tình trạng tắc sổ hồng vì vướng tiền sử dụng đất mà báo chí phản ánh cùng với kiến nghị của UBND TP.HCM gửi các bộ ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc xác định, thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn TP.HCM, tháng 9 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP.HCM sớm giải quyết.

Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND TP.HCM tập trung chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn. Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư