Chuyện quy hoạch, kiến trúc ở nông thôn

Cập nhật 20/09/2008 11:00

Trong năm 1964 - 1965, ông Hoàng Như Tiếp, viện trưởng viện Quy hoạch đô thị và nông thôn lúc đó đã quan tâm đến vấn đề này. Ông đã cho triển khai khu Tam thiên mẫu quy hoạch xây dựng nông thôn với khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp riêng biệt... theo kiểu hình dáng đô thị trong nông thôn. Mô hình này đã được áp dụng ở một số nơi như Hưng Yên, Bắc Ninh... gây ấn tượng một thời!

Việc không gian làng truyền thống bị phá vỡ, lỗi không hoàn toàn thuộc về người nông dân. Song, nếu nhận thấy hết những giá trị không gian trật tự, ổn định của làng truyền thống, nơi phát nguồn của văn minh đô thị tại Việt Nam, thì hẳn nông dân chúng ta sẽ biết trân trọng và làm mới không gian sống của mình trong một chỉnh thể ổn định vốn có của làng.

Nhật Bản đã phát triển đến dường nào mà vẫn rất coi trọng vốn văn hoá cổ và hết sức gìn giữ những không gian đó. Ý thức đó không dễ gì có được nếu chưa phải trả giá. Ở Pháp, trước khi phát triển đô thị, người ta quy hoạch vùng phụ cận (ngoại ô và nông thôn). Nếu quy hoạch tốt ngoại ô và nông thôn thì không ai dại gì đổ xô về thành phố. Đó là giải pháp mà người Pháp mới thực hiện được trong một thập niên trở lại đây, sau khi họ thấm thía hậu quả từ sự phát triển quá nhanh của đô thị. Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch nông thôn dễ hơn ở đô thị, vì thế nên cần làm ngay.

Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục, và quan trọng hơn, tìm ra phương thức quảng bá.

Đô thị hoá như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế, làm sao tốn ít mà lại đẹp. Chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê, các chương trình trên truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị... Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường...

Những vấn đề gay gắt không kém các đô thị. Các cuộc hội thảo, nghiên cứu phát triển các đô thị, ta đã có hàng trăm. Nhưng không gian làng truyền thống, quỹ kiến trúc nền tảng đầy giá trị và kinh nghiệm này, lại chưa được nhìn nhận và nghiên cứu đúng với vai trò của nó. Mô hình nhà ở nông thôn đã có lúc được đưa vào những cuộc thi, nhưng trao giải xong, nó không được áp dụng vào thực tế.

Ta hay dùng khái niệm “xã hội hoá” nhưng thực chất nó bao che về sự đóng góp. Xã hội hoá là mọi người cùng quan tâm đến, nhưng không thể không nói vai trò của Nhà nước. Bây giờ vào WTO, chúng ta có thể có nhiều cách đầu tư cho nông thôn mà vẫn không phạm luật khi tham gia vào thị trường tự do.



Cổng vào nhà ở làng cổ Đường Lâm.

Không ai có thể đòi giữ lại làng với phần lớn các công trình nhà ở kiến trúc đơn giản, tạm bợ. Không gian làng Việt phải giữ lại nét đẹp trong cảnh quan, công trình kiến trúc cổ. Nhưng không vì thế mà quy hoạch chắp vá, tuỳ tiện, để đến một ngày làng quê trở nên ngột ngạt, quá tải... Vấn đề quy hoạch không gian làng nên giao cho cơ sở đảm nhiệm, có tập huấn hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn, mô hình mẫu... về hạ tầng, về không gian chung cho các công trình phúc lợi, công trình văn hoá, thể thao...

Chỉ như vậy việc quy hoạch nông thôn mới được "xã hội hoá" để nhân dân tham gia góp vào việc chuẩn bị không gian sống cho chính mình, trên cơ sở quy định chung, chuẩn hoá nhà nước về quy mô, tiêu chuẩn các công trình hạ tầng, công trình công cộng... Và chỉ như vậy, nông thôn mới được làm quy hoạch khi lực lượng kiến trúc sư không thể đông đảo tới mức "phủ sóng" cho hàng chục nghìn làng xóm bản mường.

Cần giáo dục tuyên truyền cho người dân để họ có ý thức và kiến thức cần thiết khi lựa chọn mẫu mã nhà phù hợp với không gian làng xã. Nếu không, sẽ có sự sao chép dễ dãi, chạy theo kiến trúc đô thị mà quên mất vẻ đẹp cần có của kiến trúc thôn quê, với rặng duối, bờ tre, cây đa, mái đình... Công việc này hiện đang được một số kiến trúc sư trẻ - thành viên diễn đàn VNArchitects.com khởi động, với sự cố vấn của các bậc lão thành như KTS Nguyễn Trực Luyện, các KTS Việt kiều như Mai Thế Nguyên (Na Uy) và các văn phòng kiến trúc.

Đối với nông thôn, ta không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Bởi, mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm thấy được vị trí của mình trong sự phát triển hướng tới tương lai.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị