Chuyển nhượng nhà đất và cổ phiếu: không phải kinh doanh!

Cập nhật 16/08/2007 14:00

Theo dự luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế xuất thu vào thu nhập từ chuyển nhượng nhà đất và chuyển nhượng chứng khoán lên tới 25%, gần bằng thuế xuất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (28%), có thể thấy rằng dự luật coi những hoạt động này là kinh doanh, không phải là chuyển nhượng tài sản.

+Một câu hỏi đặt ra: Nếu là kinh doanh, sao không thu thuế thu nhập doanh nghiệp?

+Trả lời: Vì người nộp thuế là cá nhân.

+Hỏi tiếp : chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là các nhân, sao họ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ?...

+Lại hỏi tiếp: Nếu phải thu thuế TNCN, sao không đối xử với họ như hộ kinh doanh nhỏ?..

Đến đây có thể thấy: dự luật coi những chuyển nhượng này không chỉ là kinh doanh mà là kinh doanh "đầu cơ", cần ngăn chặn. Nếu thật vậy thì vấn đề đã bị đặt lệch hướng ngay từ đầu.

Nội dung kinh tế của việc cá nhân chuyển nhượng nhà đất và chuyển nhượng kế toán là gì?

Phải coi đó là đầu tư, khác với những mua bán loại này của các công ty địa ốc, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác. Trừ trường hợp làm ăn thất bại, còn nói chung, người ta bán nhà hay bán chứng khoán là để chuyển nhượng đầu tư, trong đó có thể mua nhà mới to đẹp hơn, có thể lại vẫn đầu tư vào chứng khoán. Nếu coi những chuyển nhượng này là đầu tư, thì Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, trong đó chính sách thuế là dễ làm hơn cả. Tiếc rằng dự luật lại thể hiện tinh thần nguợc lại.

Nếu hiểu những chuyển nhượng này là đầu tư, thì nó là giai đoạn tiền sản xuất kinh doanh, giai đoạn tạo phương tiện vật chất, nhưng chưa sản xuất kinh doanh. Mà chỉ có sản xuất kinh doanh mới tạo ra của cải, vì vậy chưa thể nói đến lãi hay thu nhập.

Tuy nhiên thực tế dường như không phải thế. Qua những chuyển nhượng, có người đã có "lãi". Theo khái niệm kinh tế học "lãi" đó không có nguồn gốc là giá trị mới được tạo ra, nên không thể coi là thu nhập, mà là chênh lệch giá trị.

Nếu có người nhờ chuyển nhượng mà thu được nhiều tiền hơn, tất phải có người mà do đó phải mất tiền đi. Có người trở thành tỷ phú, có kẻ sạt nghiệp. Đó là sự bù trừ trong điều kiện tổng của cải trong xã hội không đổi, chỉ có điều là sự bù trừ này diễn ra ngay tức khắc và đồng thời, nên thường khó nhận ra.

Đầu tư chưa tạo ra thu nhập, vậy mà đã phải chịu thuế thu nhập, đó là phi lý. Nếu điều phi lý này diễn ra trong thực tế thì có nghĩa là Nhà nước thu một phần tài sản (vốn) đã tích luỹ trong dân.

Trong nhiều cuộc hội thảo về dự luật, đã có những ý kiến không đồng tình với những khoản thu này, với những lý lẽ: Nếu có "lãi" thì thu, nhưng nếu "lỗ" có được bù không?

Để điều phi lý trên không xảy ra và khuyến khích đầu tư, thuế phải rất nhẹ đối với những chuyển nhượng này. Có người lo ngại rằng, nếu thế sẽ có người lợi dụng chính sách khuyến khích ấy để "đầu cơ" trục lợi.

Tất nhiên những trường hợp lợi dụng như thế có thể xảy ra, nhưng không nên vì "một người ốm mà bắt cả làng uống thuốc". Trong các cơn sốt nhà đất, sốt chứng khoán có nhiều người trở nên giàu to, nhưng cũng có nhiểu người không chỉ có sập tiệm mà còn lâm vào vòng lao lý.

Phải thấy rằng, những cơn sốt này chẳng qua chỉ là triệu chứng của nhiều căn bệnh, nhiều khiếm khuyết khó tránh trong chính sách kinh tế và quản lý "quản độ" sang kinh tế thị trường hiện nay. Cho nên muốn ngăn chặn các cơn sốt này, phải đánh giá lại các chính sách liên quan và có những sửa đổi, bổ sung cần thiết, không nên kỳ vọng vào thuế TNCN. Ngược lại nên giải phóng cho thuế TNCN vai trò này vì thực tế nó không thể kham nổi.

Với hướng suy nghĩ như vậy, nên loại hẳn hai khoản thuế này ra khỏi thuế TNCN. Để góp phần chống đầu cơ nhà đất, rất cần ban hành thuế sử dụng nhà đất mới. Thuế này thu hằng năm căn cứ vào hoa lợi nhà đất, tức là thu theo kết quả sử dụng nhà đất chứ không thu vào nhà đất như là tài sản (vốn).

Ai có tiền tích trữ nhà đất, xin mời, chỉ xin hằng năm đóng thuế cho đều đặn. Còn thuế chuyển nhượng nhà đất có thể mô phỏng thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện nay, thậm chí nhẹ hơn. Đối với thuế chuyển nhượng chứng khoán, nên ban hành thuế chứng khoán, thu theo tỷ lệ rất nhẹ so với giá bán, thí dụ Trung Quốc thu 0,1%. Ai có vốn xin cứ mua, cầu càng lớn hơn cung thì các doanh nghiệp cần vốn cần có cơ hội phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn đầu tư.

Theo giải thích của một vài quan chức ngành thuế, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có nhiệm vụ phải tính và nộp khoản thuế này thay cho khách hàng của mình. Chưa thấy công bố thao tác vận hành khoản thu tại nguồn như thế nào. Cũng chưa thấy có ý kiến phản hồi của các công ty chứng khoán và nhiệm vụ luật định này.

Tuy nhiên nếu suy từ việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho bản thân mình, mỗi năm chỉ một lần đã tốn không ít công sức, nay các công ty chứng khoán còn phải tính và nộp khoản thuế TNCN cho hàng trăm khách hàng, số lượng chứng khoán bán ra hằng ngày của khách hàng không theo quy luật nào, nhưng đòi hỏi phải cập nhật, phương pháp tính lại phức tạp (tương tự tính thuế thu nhập doanh nghiêp), có thể thấy khối lượng công việc liên quan đến nộp thuế này sẽ rất lớn, trong khi họ không phải là cơ quan thuế, không phải là người nộp thuế. Đó là chưa nói tới những trường hợp có những tính toán nhầm lẫn khó tránh, trách nhiệm của họ ra sao?

Những điều nêu trên cho thấy việc thu thuế TNCN vào "thu nhập" từ chuyển nhượng nhà đất và chuyển nhượng chứng khoán, nên ban hành thuế chứng khoán thể hiện sự áp đặt khiên cưỡng, lý thuyết đã không xuôi, thực hành cũng không thuận.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn