Sau khi lấy ý kiến của các sở - ngành và UBND các quận - huyện, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP vừa kiến nghị UBND TPHCM sửa đổi 2 quyết định (QĐ) của UBND TP mà hiện nay người dân gặp rất nhiều vướng mắc, đó là QĐ 64 về ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất và QĐ 19 quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa.
* Không phải chuyển mục đích nguyên thửa đất khi tách thửa
Theo đó, về sửa đổi QĐ 64, đối với các trường hợp đã được công nhận quyền sử dụng đất mà vượt hạn mức thì được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất bằng 2 lần giá đất do UBND TPHCM quy định và ban hành hàng năm.
Còn đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất ở có phần diện tích vượt hạn mức, Sở TN-MT và Sở Tài chính đồng thuận với UBND TP theo hướng phải nộp tiền theo giá thị trường, không ban hành hệ số điều chỉnh. Tuy nhiên, báo cáo với UBND TP, Sở TN-MT cho biết, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, hiện các quận huyện băn khoăn vì việc thuê tư vấn lập chứng thư để tiến hành thủ tục thẩm định mất khá nhiều thời gian, chi phí và thực tế có một số trường hợp diện tích vượt hạn mức lớn nên người sử dụng đất không có khả năng tài chính để thực hiện.
Giải quyết được vướng mắc về sử dụng đất tạo điều kiện phát triển thị trường địa ốc. Ảnh: CAO THĂNG
|
Liên quan đến việc sửa đổi QĐ 19, mặc dù theo định hướng của của UBND TP trong việc sửa đổi QĐ 19 là đất nông nghiệp không bị hạn chế diện tích khi tách thửa để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Sở TN-MT kiến nghị TP giữ nguyên quy định hạn mức tách thửa đất nông nghiệp tại QĐ 19 với diện tích tối thiểu là 500 - 1.000m², tùy quận - huyện.
Theo lý giải của Sở TN-MT, các quận huyện còn nhiều đất nông nghiệp rất cần có quy định về hạn mức để quản lý chặt chẽ, hạn chế chuyển đất nông nghiệp để xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch. Sau này, khi nào năng lực quản lý của địa phương và ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì sẽ kiến nghị Chính phủ và sửa đổi QĐ 19 theo hướng không áp dụng hạn mức khi tách thửa.
Về việc TP yêu cầu một số trường hợp đặc biệt như đất của ông bà, cha mẹ cho con cháu ruột thì được tách thửa diện tích nhỏ và chuyển mục đích, Sở TN-MT cho rằng việc tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất theo Bộ luật Dân sự có đối tượng rộng hơn, do đó việc giới hạn đối tượng theo hướng của UBND TP sẽ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của người sử dụng đất.
Hai vấn đề mà quận – huyện nào cũng vướng khi thực hiện việc tách thửa theo QĐ 19 đó là: Phải chuyển toàn bộ thửa đất mới được tách thửa; căn cứ quy hoạch nào (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch 1/5000, quy hoạch 1/2000 hay quy hoạch 1/500) để xem xét tách thửa.
Về việc này, Sở TN-MT kiến nghị: Quy hoạch để xét tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở là quy hoạch chi tiết 1/2000. Trường hợp chưa có quy hoạch 1/2000 thì áp dụng quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư đã có hạ tầng mà có nhu cầu tách thửa, chuyển mục đích để xây nhà ở thì không phải chuyển mục đích toàn bộ thửa đất.
Sở TN-MT cho biết, vướng mắc mà các quận - huyện nêu ra sẽ được giải quyết cơ bản khi TP chấp thuận điều chỉnh QĐ 19/2009 về diện tích tối thiểu khi tách thửa theo tinh thần là người dân được tách thửa để xin chuyển mục đích với diện tích trong hạn mức mà không phải xin chuyển mục đích sang đất ở đối với toàn bộ diện tích đất đang sử dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng