Việc định hướng phát triển không gian các đô thị cũ và qui hoạch xây dựng các đô thị mới hướng biển hứa hẹn sẽ hình thành "chuỗi đô thị trong mơ" vùng ven biển Quảng Nam.
Dải đất cát trải dài hơn trăm cây số bờ biển Quảng Nam vốn được xem là lợi thế lớn, là cánh cửa mở để Quảng Nam "vươn ra biển lớn", hội nhập với xu thế phát triển hiện đại. Xu thế hiện nay của các đô thị là hướng biển. Sự thành công của các đô thị hướng biển ở nước ta và trên thế giới là đã khai thác các lợi thế từ vị trí xây dựng đến các nguồn lợi từ kinh tế biển như các ngành công nghiệp xanh, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, dịch vụ cảng, du lịch, nghiên cứu khoa học...
Đối với Quảng Nam, việc hoạch định vùng ven biển dành riêng để phát triển "dịch vụ cao cấp, công nghiệp sạch, công nghệ cao" đang từng bước hình thành các khu vực đầu tư tạo nên một "bản đồ phát triển vùng đông" trong tương lai.
Sự thành công trong chiến lược hướng biển của thành phố di sản Hội An trong suốt chiều dài lịch sử đã và đang là một minh chứng hùng hồn. Hội An vốn được hình thành như một "khu kinh tế mở" thời chúa Nguyễn và trở thành một đô thị phát triển bậc nhất ở xứ Đàng Trong.
Kịp đến thời mở cửa, Hội An với việc phát triển bùng nổ du lịch, dịch vụ về phía biển đảo trên cơ sở "vốn tự có" là di sản đô thị cổ giữa lòng thành phố, đã trở thành địa phương có mức thu nhập xã hội cao nhất tỉnh và mức sống người dân cũng cao nhất tỉnh.
TP. Tam Kỳ tỉnh lỵ cũng đang hướng không gian phát triển đô thị về phía đông, "rục rịch" tính chuyện sẽ chuyển trung tâm hành chính mới của thành phố xuống gần biển để đặt nền móng cho sự hình thành một đô thị Tam Kỳ mới theo mô hình "thành phố sinh thái sông-biển".
Hàng loạt đô thị mới đang xây dựng hoặc đang qui hoạch, cùng với các dự án động lực đang triển khai suốt vùng ven biển. Ở phía bắc, khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc đã hình thành cơ sở hạ tầng và nhiều biệt thự triệu đô đã được bán. Dải du lịch ven biển Điện Bàn-Hội An tuy thực tế chưa lấp đầy như qui hoạch, cấp phép, nhưng một số dự án du lịch cao cấp đã hoạt động hiệu quả, có thương hiệu quốc tế.
Ở phía nam, khu kinh tế mở Chu Lai với nhiều dự án công nghiệp lớn, cùng cảng biển, sân bay được đầu tư nâng cấp sẽ tạo tiền đề cho sự hình thành các đô thị tương lai. Vùng ven biển Quảng Nam cũng đang được "thu xếp lại" để tạo nên các khu vực chức năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phòng tránh thiên tai, bằng một dự án tổng thể sắp xếp dân cư qui mô lớn, kinh phí to, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Việc hình thành các khu đô thị biển mới gắn với công nghiệp, du lịch, đào tạo... là tất yếu trong tương lai. Không dưới một chục khu đô thị mới, khu du lịch-giải trí-nghỉ dưỡng-nhà ở qui mô trên dưới nghìn héc ta đang được xây dựng hoặc xúc tiến đầu tư.
Theo sự hoạch định của tỉnh Quảng Nam, một thành phố Chu Lai hay một thành phố Nam Hội An hoặc thành phố Điện Bàn đã được ghi danh, để làm theo cách đầu tư từng bước. Đó là cả một quá trình thai nghén ý tưởng, dọn đường và thu hút đầu tư với kỳ vọng tìm thấy nhà đầu tư thực chất khai phóng tiềm năng các khu vực được dành sẵn để đặt những "chiếc đòn bẩy".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, việc kết nối chuỗi đô thị ven biển sẽ tạo nên một sức sống mới mạnh mẽ cho vùng đông Quảng Nam, là động lực để tạo nên một sự phát triển bùng nổ cho vùng ven biển Quảng Nam.
Sự kết nối đó là tất yếu để phát triển, quan trọng không kém sự hướng biển. Như Tam Kỳ, việc phát triển đô thị mới tiệm cận với đường bờ biển là xu hướng tất yếu, song cũng cần nhận thức rằng, Tam Kỳ chưa phải là một đô thị biển đúng nghĩa, bởi thiếu mất một nhân tố quan trọng trong giao thông đường thủy là cảng biển. Bởi vậy, sự phát triển của Tam Kỳ không thể xem xét tách rời khỏi khu vực Chu Lai và Cửa Đại Hội An.
Tam Kỳ và Chu Lai trong tương lai sẽ là một thực thể đô thị thống nhất và cần có sự phân công phân nhiệm trong phát triển ngay từ giai đoạn này. Chủ trương di chuyển trung tâm hành chính (xây dựng trụ sở cơ quan công quyền) đi trước, để hình thành đô thị mới (hoạt động dân sinh) theo sau chưa chắc đã phải là bước đi hợp lý và hướng biển thực chất. Hoặc Chu Lai, mang vác kỳ vọng khu kinh tế mở thí điểm của cả nước nhưng thực chất là khu kinh tế hàng tỉnh.
Với "phạm vi cai quản" toàn bộ vùng đông ven biển trải dài từ nam Hội An đến hết Núi Thành, khu kinh tế mở Chu Lai không chỉ đòi hỏi sự năng động, sáng tạo trong quản lý, phối hợp với chính quyền các địa phương, mà còn phải hướng đến vai trò trung tâm, kết nối chuỗi đô thị ven biển trong tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động