Được quảng cáo thuộc phân khúc trung, cao cấp, song nhiều dự án chung cư lọt thỏm trong những con ngõ nhỏ chừng 3 - 5m, gây nhiều lo ngại về ùn tắc, an toàn.
Những con đường nhỏ ngày càng chật chội, hun hút chung cư - Ảnh: Dũng Minh
Từ những con ngõ chật ở Thanh Xuân…
Một trong những điểm nóng về dự án chui ngõ nhỏ tại Hà Nội phải kể đến khu vực quận Thanh Xuân, quanh các tuyến đường Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Huy Tưởng hay Vũ Trọng Phụng...
Chẳng hạn, ngay ngã tư giao cắt đường Ngụy Như Kon Tum với Lê Văn Thiêm, mặc dù là tuyến đường mới của quận Thanh Xuân, dài chưa tới 1 km, nhưng mỗi khi có việc phải đi qua phố Ngụy Như Kon Tum, người tham gia giao thông cảm thấy như muốn “tăng xông” bởi tình trạng quá tải xe đi lại, cũng như ô nhiễm do công trường của 2 chung cư đang triển khai xây dựng là The Legacy, Stellar Garden.
Với khoảng hơn 600 căn hộ được chào bán, sắp tới đây, khi hai dự án này bàn giao, ước tính hạ tầng khu vực này phải gánh thêm đến cả ngàn người.
Khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại 3 con phố Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng đã có tới 30 tòa nhà, chung cư với chiều cao trên 20 tầng như: Stellar Garden, Comatce Tower, HUD Tower, Tòa nhà Công ty cổ phần Lắp máy điện nước và xây dựng, Tòa nhà Sông Đà - Nhân Chính, Tổ hợp HDI Homes, The Hei Tower...
Các dự án này có quy mô hàng trăm căn hộ như The Legend có 460 căn hộ; Thống Nhất Complex quy mô 552 căn hộ và 48 nhà liền kề; Chung cư số 90 Nguyễn Tuân quy mô gần 500 căn hộ và 87 nhà liền kề; Goldseason có quy mô khoảng 1.500 căn hộ… Tổng lượng cung của tất cả các tòa nhà trên 3 con phố này có thể lên đến cả chục nghìn căn hộ.
… Tới chuyện người giàu vẫn khổ
Tại các quận nội thành Hà Nội, hiện có hàng chục dự án chung cư cao tầng mới được chủ đầu tư triển khai đều nằm trên các con ngõ, hoặc phố nhỏ, giao thông không mấy thuận tiện. Có thể kể đến các dự án như Sky Garden ở ngõ 115 phố Định Công, Hong Kong Tower nằm trên một con hẻm trên đường Voi Phục, Garden Hill ở 99 Trần Bình…
Ngõ 102 Trường Chinh là con ngõ nhỏ, nhưng phải gánh tới 2 dự án chung cư với hàng trăm căn hộ là Dự án Meco Complex gần 500 căn hộ gồm nhiều block đã đưa vào sử dụng từ năm 2013 và Dự án Chung cư Capital Garden do Tập đoàn Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư.
Con ngõ này chỉ cần có ô tô đi vào là nguy cơ ùn ứ rất cao ngay cả khi không trong giờ cao điểm. Trong đó, năm 2017, Chung cư Capital Garden từng xảy ra hỏa hoạn, nhưng xe cứu hỏa không thể tiếp cận được khu vực phía Bắc tòa nhà. Điều đáng nói, dù được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2004, nhưng đến nay đã 15 năm, dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh (Dự án ngõ 102 Trường Chinh) vẫn “nằm” trên giấy.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Sáng, Tổ phó Tổ dân phố 40 cho biết, ngay từ khi có dự án mở đường, nhân dân phường Phương Mai (quận Đống Đa) rất phấn khởi vì đoạn đường này có những chỗ cong, thậm chí có cả nút “thắt cổ chai” rất nguy hiểm. Thế nhưng, dự án còn nhiều điểm không thỏa đáng khiến người dân khiếu nại kéo dài hơn 10 năm chưa thể thực hiện.
Tất nhiên, khi đã có quỹ đất và được cấp phép, cũng không thể trách tại sao các chủ đầu tư lại xây nhà “trong ngõ”. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, việc xoay xở để có một khu đất trong các quận nội thành hiện nay không đơn giản. Tuy nhiên, khi đã được cấp phép dự án tại đây, thì khả năng thành công của doanh nghiệp lớn hơn, chi phí đầu tư hạ tầng giảm đi, độ rủi ro cũng ít hơn.
Tính thanh khoản cũng như tỷ suất lợi nhuận của những dự án khu trung tâm luôn cao. Do đó, các doanh nghiệp tìm mọi cách để xin cấp phép dự án trong khu vực này. Vấn đề còn lại là tư duy của chính quyền địa phương trong việc cấp phép cho các dự án chắc chắn sẽ đè nặng áp lực lên hạ tầng giao thông.
“Thực trạng này cho thấy sự thiếu tính toán trong quy hoạch, duyệt dự án bừa bãi, tùy tiện”, vị này cho hay.
Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây không lâu chỉ ra rằng, hiện nay, các công trình cao tầng đang theo hướng co cụm vào trung tâm. Theo thống kê, 80% nhà cao tầng thời gian qua nằm trong nội đô Hà Nội, trong đó chưa kết hợp hạ tầng xã hội, giao thông. Thực tế, có những tuyến phố ngắn chỉ 1 - 2 km, nhưng phải "gánh" hàng chục tòa nhà chung cư chen chúc nhau gây áp lực lên hạ tầng.
Theo các chuyên gia, để xảy ra tình trạng nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên các con phố nhỏ là do sự dễ dãi trong việc cấp phép xây dựng chung cư cao tầng của Hà Nội và nếu không được chấn chỉnh, chắc chắn hiện tượng chung cư trong ngõ nhỏ sẽ tiếp tục xảy ra. Khi đó, cảnh tắc đường, kẹt xe tại nhiều con phố sẽ thêm trầm trọng.
DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS