Chưa nên đánh thuế nhà

Cập nhật 10/09/2009 08:50

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày tờ trình về dự án thuế tại phiên họp ngày 9-9-2009 - Ảnh: TTXVN.

“Suy giảm kinh tế đang khiến dân khó khăn, trong khi thuế mới chủ yếu sẽ đánh vào người dân”, “Hiến pháp đã tôn trọng quyền sở hữu nhà của dân. Vậy khi người dân có nhà thì có nên thu thuế không?”... là các băn khoăn của nhiều vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận, góp ý dự thảo Luật thuế nhà đất.

Theo dự thảo Luật thuế nhà đất do Bộ Tài chính soạn thảo, thay vì chỉ phải nộp thuế đất ở, đất xây dựng công trình thì đối tượng phải nộp thuế nhà đất sẽ cả nhà ở, đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Ông Vũ Văn Ninh, bộ trưởng Bộ Tài chính, nói Quốc hội đã có nghị quyết miễn thuế nông nghiệp từ năm 2003-2010.

Hiện thời hạn này chưa hết và với chủ trương khoan sức dân thì sau năm 2010 vẫn cần nghiên cứu miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Vì vậy, Bộ Tài chính không đưa đất nông nghiệp vào diện điều chỉnh của Luật thuế nhà đất mới.

Nhà trên 500 triệu đồng phải chịu thuế

4,8 triệu đồng/năm

4,8 triệu đồng/năm là số tiền mà nhiều nhà chung cư phải nộp. Đây là con số mà ông Nguyễn Trần Nam - thứ trưởng Bộ Xây dựng, người được mời tham gia góp ý - tính toán dựa trên cách tính của dự thảo do Bộ Tài chính soạn. Trong khi nhiều người ở diện tích khá lớn dưới đất chỉ phải nộp 120 đồng/m2/năm. Ông Nam cho biết hiện giá đất trong cùng một đô thị có nơi chênh nhau hơn 200 lần. Vì vậy cùng dùng để ở nhưng người dân đô thị phải ở chật hẹp có thể phải nộp thuế, trong khi có người ở hàng trăm mét vuông lại không phải nộp. Ông Nam cho rằng nhà đất chỉ có giá trị cao khi mua bán nhưng cứ thấy nhà có giá trị cao thì đánh thuế là không công bằng.

Điểm quan trọng nhất của dự thảo Luật thuế nhà đất là quy định về thuế đất sẽ tính lũy tiến với ba mức, dựa trên diện tích sử dụng. Nhà thì tính thuế theo giá khởi điểm. Với đất, giá tính thuế đất được xác định theo diện tích và giá của đất.

Chính phủ đã đưa ra ba phương án nhưng theo phương án khả thi nhất mà Chính phủ khuyến nghị thì người sử dụng diện tích đất trong hạn mức chỉ phải chịu thuế suất 0,03%, phần diện tích vượt định mức nhưng không quá ba lần chịu thuế 0,06%, phần vượt trên ba lần hạn mức phải chịu thuế suất 0,09%. Hạn mức cụ thể sẽ giao cho địa phương quy định.

Đặc biệt, thay vì mức 600 triệu đồng trở lên, theo dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính, với thuế nhà, theo phương án mà Chính phủ cho rằng có nhiều ưu điểm hơn thì người nào sở hữu nhà có giá trị trên 500 triệu đồng đã phải nộp thuế. Mức thuế sẽ là 0,03% tính trên giá trị vượt mức 500 triệu đồng.

Sở dĩ chọn mức 500 triệu đồng trở lên phải chịu thuế, theo Bộ Tài chính, là tính trên định mức mỗi người ở 30m2, tính bình quân mỗi gia đình bốn người, thành 120m2. Nhân 120m2 với định mức xây dựng 4 triệu đồng/m2 thì giá khởi điểm chịu thuế là 500 triệu đồng.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, dự thảo Luật thuế nhà đất chưa bao quát hết nội dung cần điều chỉnh. Hiện còn nhiều đất bỏ hoang nhưng dự thảo lại chưa đề cập. Ngoài ra, mức thuế theo Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chưa đủ để hạn chế đầu cơ đất đai vì thuế đất không đáng gì so với lợi nhuận từ đầu cơ đất đai. Các nước châu Á thường tính khởi điểm thuế đất là 1% nên nhiều ý kiến trong ủy ban đề nghị tăng mức thuế đối với người sử dụng diện tích đất vượt quá ba lần hạn mức lên trên mức 0,09%.

Cần cân nhắc thời điểm

Ông Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, băn khoăn từ ngay chủ trương đánh thuế nhà. “Ta đã cân nhắc rất nhiều khi đánh thuế trên tiền tiết kiệm. Tiền tiết kiệm sinh lời mà ta còn không đánh thuế, nhà với nhiều người chỉ để ở, nó không sinh lời mà vẫn đánh thuế thì không nên” - ông Phước nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cũng đồng quan điểm khi băn khoăn: hiến pháp đã tôn trọng quyền sở hữu nhà của dân. Vậy khi người dân có nhà thì có nên thu thuế không? Nếu có thu, ông Hiền đề nghị phải nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 500 triệu đồng lên 700 triệu đồng vì “giá nhà giờ cao, nhà 700 triệu đồng về nông thôn cũng rất nhiều”.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, phó chủ tịch Quốc hội, khẳng định dứt khoát không đồng tình trong thời điểm này lại tính chuyện thu thuế nhà của dân. Theo ông Sơn, suy giảm kinh tế đang khiến dân khó khăn, trong khi thuế mới chủ yếu đánh vào người dân. “Nhiều cán bộ được cấp nhà ở, không phải bỏ tiền. Trong khi đó, nhiều người bị đền bù giải tỏa không đủ tiền mua đất khác, họ cố tìm cách mua nhà mới thì lại bị đánh thuế, như vậy họ bị mất rất nhiều lần”. Quan điểm thuế là phải công bằng, ông Sơn đề nghị có thể thu thuế đất nhưng thuế nhà chưa chín muồi, cần cân nhắc lại.

Đánh vào người có nhiều nhà, nhiều đất


Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho biết khi đi tham khảo ý kiến cũng đã gặp nhiều quan điểm khác nhau. Có đô thị lớn như TP.HCM đề nghị đẩy mạnh thu thuế nhà đất để chống đầu cơ.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết nếu kiên quyết có thể thu được hàng tỉ USD, trong khi hạ tầng đang kém thì số tiền đó rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết nhiều địa phương đề nghị chưa thu thuế đối với nhà vì hiện chưa quản lý được diện tích nhà của dân, đồng thời người dân đang phải chịu nhiều chi phí trên nhà. Hơn nữa, với thuế nhà đất, khả năng thu vào ngân sách chỉ được 1.200 tỉ đồng là không đủ chi cho việc hành thu. Nếu Chính phủ kiên quyết muốn thu, ông Hiển cho rằng chỉ thu để phục vụ yêu cầu quản lý, để người dân quen là chính, không nên đặt nặng mục tiêu tăng thu ngân sách.

Trả lời các ý kiến phản biện, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng mục tiêu dự luật thuế nhà đất là chỉ đánh vào người có nhiều nhà, nhiều đất. Trước nhiều ý kiến phản biện, ông Vũ Văn Ninh chính thức xác nhận chủ trương của ban soạn thảo sẽ tính thuế nhà dựa trên mét vuông nhà nhân với đơn giá xây dựng một mét vuông của Bộ Xây dựng.

“Nhưng đơn giá đó sẽ chỉ tính 50%”- ông Ninh nói. Như vậy, quy định nhà giá trị trên 500 triệu đồng phải nộp thuế nhưng thực chất ai sở hữu nhà có giá trị trên 1 tỉ đồng mới phải nộp! “Nghĩa là hầu hết người có một nhà sẽ không phải nộp thuế nhà” - ông Ninh khẳng định.

Nên tăng thuế tài nguyên để tiết kiệm

Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận Luật thuế tài nguyên. Theo dự thảo, thuế suất với khai thác tài nguyên sẽ cơ bản giữ theo pháp lệnh thuế tài nguyên được sửa đổi năm 2008, có hiệu lực từ 1-1-2009: khung thuế tài nguyên với các khoáng sản kim loại sẽ tăng từ 1-5% lên 5-30%, vàng tăng từ 2-6% lên 6-30%, than tăng từ 1-3% lên 4-20%, dầu mỏ tăng từ 4-25% lên 6-30%. Nếu mức thuế bình quân là 10% thì số thu mỗi năm của Nhà nước khoảng 21.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu góp ý cần phải nâng mức trần nhiều loại tài nguyên như dầu mỏ, gỗ... ít nhất lên 40-50% chứ không 30% như hiện tại để hạn chế khai thác. Với thủy sản, cần quy định cụ thể lại, không nên để người dân đánh bắt cá ở ao hồ cũng phải nộp thuế vì như thế không khả thi.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO