Chưa lấp được 60%, không mở thêm khu công nghiệp

Cập nhật 28/09/2011 14:40

“Thủ tướng duyệt quy hoạch 200.000 ha đất làm Khu công nghiệp (KCN), nhưng số KCN hiện tại địa phương chưa lấp đầy được 60% thì không mở thêm”- Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT), khẳng định bên lề Hội nghị lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất (2011-2015).

KCN bỏ hoang, phải cho dân thuê lại trồng sắn ở Đồng Nai KCN bỏ hoang, phải cho dân thuê lại trồng sắn ở Đồng Nai. Ảnh: Đức Minh

Ông Chính, cho biết: Cho đến thời điểm hiện tại cả nước có 267 KCN với tổng diện tích 72.000 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân mới đạt gần 46%. Theo quy hoạch đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt thì cả nước có 558 KCN với diện tích 200.000 ha.

* Hiện ngay trong các KCN đã xây dựng, tỷ lệ bỏ hoang còn khá cao. Việc mở rộng quy hoạch KCN tới 200.000 ha liệu có tái diễn tình trạng bỏ hoang, trong khi dân không có đất sản xuất?

Việc Chính phủ đồng ý duyệt quy hoạch 200.000 ha cho KCN, không có nghĩa, các địa phương cứ thế được mở tiếp các KCN, các địa phương phải đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60% KCN hiện tại thì mới cho mở tiếp. Đây là quy hoạch cho tương lai, vì nếu không quy hoạch thì sợ đất đó sẽ xây dựng cái khác vào, sau này bồi thường đất đai sẽ rất tốn kém.

* Với những KCN đã xây dựng nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp, để hoang khá nhiều, nên xử lý thế nào tránh lãng phí, thưa ông?

Mặc dù tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện tại dưới 50% nhưng không cứ phải lấp đầy 100%, vì bản thân các KCN phải để dành cho các doanh nghiệp trong đó mở rộng hoạt động. Để hình thành nên một KCN như các chuyên gia phân tích thì phải mất 10 năm, mới có tỷ lệ lấp đầy cao. Trong bối cảnh hiện tại thì sự hình thành các KCN chịu ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như vốn đầu tư, khủng hoảng kinh tế thế giới. Vì vậy cái này ta không thể nóng vội xử lý được.

Trước hết là hạn chế xây dựng khu sản xuất kinh doanh ở bên ngoài để hướng dẫn các doanh nghiệp vào trong KCN, thứ hai cũng phải chia sẻ với các nhà đầu tư trong việc phát triển KCN hiện nay với tình hình khó khăn chung.

* Nhưng tại nhiều KCN bỏ hoang, nông dân bị lấy đất làm KCN rơi vào cảnh nghèo khó, không việc làm?

Tình trạng hiện nay tại nhiều KCN là người dân sau khi bị thu hồi đất thường không có đất sản xuất, cuộc sống không ổn định. Điều này do nhiều nguyên nhân, các KCN chua thu hút được nhiều lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động từ các hộ gia đình bị thu hồi đất. Một bộ phận người dân sau khi bị thu hồi đất không tìm được việc làm phù hợp, chưa biết sử dụng tiền đền bù để tái đầu tư vào các ngành nghề phi nông nghiệp nhằm ổn định cuộc sống. Các địa phương cần có biện pháp giúp đỡ, hướng dẫn người dân ổn định cuộc sống, việc làm sau khi bị thu hồi đất.

* Thưa ông, mới đây Bộ KH&ĐT bổ sung 25 dự án sân golf, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, lên tổng số 115 sân golf. Việc bổ sung quá nhiều sân golf như vậy liệu có phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất lúa?

Thủ tướng đã có chỉ đạo, dứt khoát không lấy đất lúa làm sân golf, còn nếu lấy đất ở chỗ khác mà nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì tốt quá. Ví dụ tại ven biển các tỉnh miền Trung đất cát ở đó rất cằn cỗi, nếu ta làm được các sân golf ở đó thì rất tốt. Sân golf có tác dụng cải tạo cảnh quan và môi trường chứ không phải là không có, cùng rất hiệu quả kinh tế.

* Làm thế nào để tránh tình trạng chủ đầu tư lợi dụng xin làm sân golf nhưng sau đó xin chuyển sang xây biệt thự bán?

Cái đó là trách nhiệm của cơ quan xét duyệt đầu tư, cơ quan giám sát thực hiện phải làm nghiêm. Nếu chủ đầu tư xin làm sân golf để bao chiếm đất để đấy, thì trong Luật Đất đai nói rồi, sau 24 tháng không sử dụng, phải thu hồi.

Hiệu quả từ các KCN không chỉ là vấn đề lấp đầy hay không, mà chúng ta cần chú trọng đến phát triển KCN gắn với sự phát triển kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đó mới thực sự mang lại hiệu quả”. TS Trần Đình Thiên -Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong