Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng cuối năm 2019 sáng 22-10.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sẽ trực tiếp đến Thủ Đức chỉ đạo xử lý vụ vi phạm xây dựng
Tại hội nghị, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Hòa Bình báo cáo từ khi triển khai các quy định, chỉ đạo của TP về chấn chỉnh trật tự xây dựng thì tình hình vi phạm tại các quận huyện có giảm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại.
“Thứ sáu tuần này, Sở Xây dựng sẽ có cuộc họp trực tuyến với các quận huyện để nắm lại tình hình. Sắp tới đội thanh tra địa bàn sẽ trở thành đội trật tự đô thị ở các địa phương. Thông tin này sẽ được công bố công khai tại cuộc họp báo ở Trung tâm báo chí TP” - ông Bình cho biết.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề tại sao đang trong đợt cao điểm TP tổ chức thực hiện chấn chỉnh trật tự xây dựng mà sai phạm vẫn tiếp tục phát hiện ở nhiều quận huyện?
Thông tin thêm về việc xử lý sai phạm của cán bộ ở huyện Bình Chánh, ông Phong cho hay nhiều ý kiến đánh giá việc xử lý mới dừng ở cấp dưới, còn trách nhiệm của các lãnh đạo huyện ra sao đang phải tiếp tục xem xét.
“Quan điểm của tôi là không thể nhân nhượng với vi phạm trật tự xây dựng, phải xử lý một cách nghiêm khắc” - ông Phong nhấn mạnh.
Riêng về vụ vi phạm xây dựng ở Thủ Đức mới đây có liên quan đến trách nhiệm cán bộ, ông Phong cho hay trong chiều 22-10, Bí thư Thành ủy và Phó chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp đến lắng nghe, chỉ đạo xử lý.
Giải ngân chậm do thủ tục quá lâu
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện có tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp tiếp tục báo cáo tình hình, đầu tiên là quận Phú Nhuận - đơn vị có tỉ lệ giải ngân mới 21%.
Lãnh đạo quận Phú Nhuận cho hay vốn đầu tư TP rót cho quận chỉ chưa đầy 90 tỉ đồng nhưng giải ngân chậm do hồ sơ thủ tục quá lâu. Việc này có trách nhiệm quận trong lập thủ tục thanh quyết toán, thủ tục xin phép gia hạn thời gian thực hiện công trình.
Đại diện UBND quận 2 báo cáo rằng tình hình giải ngân đã được khoảng 40% kế hoạch. Lý do thấp là vì vướng đền bù giải tỏa. Dự kiến từ giờ đến cuối năm nếu xin được TP điều chỉnh vốn giao giảm xuống thì tỉ lệ giải ngân sẽ đạt trên 95%.
Nhiều quận huyện khác cũng nêu khó khăn chủ yếu là do vướng khâu giải tỏa, đền bù.
Nghe xong, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận phải chịu khó phân tích những công trình trước đây TP giao vốn đã sát hay chưa? Có những nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Trình độ hấp thụ vốn, khả năng quản lý như thế nào? Còn về việc vướng mắc trong quy trình xác định giá đền bù, trung ương đã đồng ý cho TP thí điểm thực hiện quy trình rút ngắn, dự kiến sẽ giảm từ 250 ngày còn 90 ngày.
Nhắn nhủ thêm với cán bộ các quận huyện, sở ngành, ông Phong lấy ví dụ có một công trình di tích cấp quốc gia mà làm mãi 3 năm chưa xong chỉ vì vướng cái hàng rào.
“Các đồng chí phải biết bức xúc. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của dân để hiểu. Sau này các đồng chí nghỉ hưu, rồi có công việc phải liên hệ địa phương để làm thủ tục rồi sẽ thấy” - ông Phong phát biểu và đề nghị mỗi quận huyện cần nhìn lại các bộ phận, phòng ban, cấp xã phường đã làm việc như thế nào để chấn chỉnh kịp thời, nhất là những bộ phận làm việc trực tiếp với dân.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ