Làm theo luật “chưa đủ đô”, nhiều nơi còn “vẽ” luật để dân phải phiền hà. Đó là điều mà Bộ Xây dựng nhấn mạnh sau khi rà soát các thủ tục hành chính trong quản lý xây dựng tại Hà Nội.
Theo luật hiện hành, hồ sơ xin giấy phép xây dựng chỉ gồm ba loại giấy: đơn xin phép xây dựng; bản sao có công chứng một trong những giấy tờ về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và bản vẽ thiết kế công trình.
Trường hợp công trình đã được thẩm định thiết kế cơ sở thì chỉ cần nộp kết quả thẩm định thiết kế cơ sở là đủ. Thế nhưng khi ban hành qui định về cấp phép xây dựng, UBND TP Hà Nội lại thấy Luật xây dựng chưa đủ nên đã đặt thêm các qui định... ngoài luật, thậm chí trái luật.
Ban hành thêm qui định... trái luật
UBND TP Hà Nội ban hành qui định thêm các tài liệu mà chủ đầu tư phải nộp khi xin cấp phép xây dựng, kể cả những dự án, công trình đã có thiết kế cơ sở được thẩm định, bao gồm: văn bản thỏa thuận về phòng cháy, chữa cháy; về cấp điện; cấp thoát nước; vệ sinh môi trường; về nội dung liên quan đến di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo...
Như vậy, để có được một giấy phép xây dựng, doanh nghiệp phải xin chữ ký hàng chục nơi, trước tiên là trưởng xóm, trưởng thôn, sau là xã, gặp phòng cảnh sát phòng cháy, công ty điện lực, công ty cấp nước, phòng tài nguyên môi trường; phòng, sở văn hóa thông tin hoặc ban tuyên giáo; đôi khi cả Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là Sở Giao thông công chính...
Theo Bộ Xây dựng, hiện có nhiều kiểu thủ tục do địa phương tự đặt ra trái qui định của pháp luật, điển hình là yêu cầu chủ đầu tư phải xin thỏa thuận về kiến trúc; xin thỏa thuận về hạ tầng của các doanh nghiệp cung cấp điện, nước...
Phức tạp hơn, UBND TP Hà Nội đã cho phép Sở Qui hoạch - kiến trúc thực hiện năm thủ tục hành chính không đúng với qui định của Luật xây dựng. Theo đó, sở này đã chia nhỏ các nội dung của đồ án qui hoạch và yêu cầu chủ đầu tư phải làm nhiều thủ tục xin thỏa thuận gây nên tình trạng... “ngộp thở” thủ tục. Đó là các văn bản nghe rất khó hiểu: “văn bản thỏa thuận địa điểm”, “văn bản cấp chứng chỉ qui hoạch hoặc cấp thông tin qui hoạch”, “văn bản chấp thuận chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật”, “văn bản chấp thuận qui hoạch tổng mặt bằng”, “văn bản chấp thuận phương án kiến trúc”...
Luật qui định việc quản lý qui hoạch và cung cấp các thông tin về qui hoạch là thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Nhưng UBND TP Hà Nội lại giao cho Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội quản lý về chỉ giới đường đỏ và cung cấp các số liệu hạ tầng kỹ thuật cho từng công trình. Điều này khiến chủ đầu tư phải hợp đồng thuê Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội cung cấp các thông tin đáng ra phải được cung cấp miễn phí. Dự án đầu tư xây dựng văn phòng giao dịch và giới thiệu sản phẩm là một ví dụ. Chủ đầu tư đã phải thuê Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật với một số tiền không nhỏ.
Bị Bộ Xây dựng phản ứng, mới đây, UBND TP Hà Nội đã qui định lại việc cấp giấy phép xây dựng để “sửa sai”. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên và gây sững sờ cả cơ quan khuyến nghị là những điều cần sửa của qui định cũ thì trong qui định mới lại... kiên quyết không sửa.
Tự đặt ra... lệ
Khi xin phép xây dựng, khổ nhất là phải tiếp cận với các cấp chính quyền địa phương. Đem luật đến giơ trước mặt các cơ quan này cũng vô tác dụng vì đôi khi họ tự đặt ra “luật” riêng.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội đã buộc các chủ đầu tư phải làm hàng loạt thủ tục... không luật nào qui định. Như dự án đầu tư xây dựng tòa nhà HH1 khu đô thị Mễ Trì Hạ, sau khi chạy đủ các loại giấy tờ rồi, chủ đầu tư vẫn phải giật mình về khả năng “sáng tạo” trong việc đòi giấy của Sở Xây dựng với yêu cầu phải bổ sung “thiết kế về đài cọc, thiết kế điện, giải pháp chống mối”... Sau khi xong việc, chủ đầu tư này đã thống kê tổng cộng phải xin tới 14 văn bản của các cơ quan chức năng
Đáng lưu ý, qui định của luật chỉ yêu cầu chủ đầu tư nộp hồ sơ xin phép xây dựng tới cơ quan cấp phép. Còn khi cần làm rõ thông tin liên quan đến các cơ quan khác để phục vụ việc cấp phép, thì cơ quan cấp phép xây dựng phải tự làm lấy. Qua kiểm tra cho thấy tuyệt đại đa số chủ đầu tư phải tự lấy ý kiến thỏa thuận của cơ quan liên quan. Thậm chí chủ đầu tư thường bị yêu cầu phải làm thay nhiệm vụ của cơ quan đầu mối thẩm định thiết kế cơ sở trong việc thỏa thuận với nhiều cơ quan liên quan như môi trường, phòng cháy chữa cháy, qui hoạch... Khổ quá, một chủ đầu tư đã bức xúc: “Thủ tục quá phiền hà làm chúng tôi có cảm giác họ buộc chúng tôi phải “nôn” tiền ra. Doanh nghiệp như con bò sữa, không gặp thì thôi, gặp rồi thì kiểu gì cũng phải... vắt cho đã”.
Một trong những khâu “gay cấn” là việc xin giấy chứng nhận môi trường. Theo một chuyên gia ở Tổng hội Xây dựng VN, danh mục các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện quá nhiều (102 loại dự án), có những dự án xây trường học cũng phải xin giấy chứng nhận... không ảnh hưởng đến môi trường. Ở dự án đầu tư xây dựng cơ sở dạy tiếng Nhật và dạy nghề tin học Hoa Anh Đào tại Hà Nội, chủ đầu tư phải chạy đủ thứ giấy: báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, văn bản của quận xác nhận đã cam kết bảo vệ môi trường...
Không ai làm đúng qui định
Luật xây dựng qui định trong thời gian năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép xây dựng phải có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư bổ sung hồ sơ (nếu thiếu) và gửi văn bản để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan. Nhưng thực tế hầu hết các cơ quan cấp phép không thực hiện đúng thời gian qui định này. Thời gian gửi văn bản hỏi ý kiến nhanh nhất là sau bảy ngày, có trường hợp tới 26 ngày sau mới gửi văn bản hỏi ý kiến (công trình xây dựng trụ sở làm việc kiêm kho của chi nhánh Ngân hàng Công thương Thanh Xuân).
Cũng theo qui định, trong thời gian mười ngày làm việc, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời, nhưng thực tế các cơ quan được hỏi ý kiến phần lớn kéo dài thời gian. Có công trình được trả lời sau gần... ba tháng.
>> Bài 1: Quá tải + thủ tục rườm rà = thất hẹn
>> Bài 2: Nhọc nhằn bởi cái... bản vẽ
Theo Tuổi Trẻ