Cao dần hướng trung tâm, thấp dần hướng ngoại thành

Cập nhật 28/07/2010 14:10

Sở QH-KT TPHCM vừa thống nhất với các quận, huyện và sở, ngành liên quan một số vấn đề cơ bản trong việc xây dựng cơ chế quản lý kiến trúc các công trình xây dựng dọc đại lộ Đông - Tây. Theo ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, những vấn đề này đã được UBND TPHCM chấp thuận về mặt nguyên tắc.


Nhà cửa cao thấp lố nhố ở đại lộ Đông Tây. Ảnh: Đức Trí

Bố cục hình chóp cho cả khu vực


Với tư cách là người phụ trách nghiên cứu này, ông Hồ Quang Toàn cho biết, toàn khu sẽ được bố cục thành hình chóp với đỉnh chóp là khu vực trung tâm hiện hữu và sẽ thấp dần ra phía ngoại thành. Hiện tại trung tâm TP đã có một tòa nhà cao 68 tầng, tạm có thể coi đây là đỉnh chóp. Thoai thoải dần về phía cuối quận 1 đang có một dự án xây dựng một tòa nhà cao 54 tầng sắp được triển khai.

Trước mắt, các công trình này có thể coi là những công trình mang tính chất điểm nhấn về không gian cho toàn khu vực. Sau này nếu có thêm các công trình cao tầng khác, Sở QH-KT và các quận, huyện, sở, ngành liên quan, đặc biệt cùng với Hội đồng QH-KT TPHCM sẽ xem xét cân đối với những điểm nhấn hiện có để tính toán cao độ phù hợp cho các công trình mới. Theo hướng thấp dần, các công trình kiến trúc ở khu vực huyện Bình Chánh (gần cuối đại lộ Đông - Tây) cao khoảng 20 - 25 tầng.

Ông Toàn cho biết, sở sẽ tạo điều kiện cho kiến trúc sư của các công trình này được thỏa chí sáng tạo. Tất nhiên, những sáng tạo này sẽ được xem xét trên cơ sở tính hài hòa chung toàn khu vực. Thế nhưng, có một nguyên tắc các kiến trúc sư phải đặc biệt quan tâm, đó là phải nghiên cứu đưa mảng xanh vào trong và lên trên các công trình này. Các thiết bị hay vật liệu xây dựng sử dụng trong các công trình phải hướng đến tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Nâng tính khả thi của quy chế quản lý

Chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng… dọc đại lộ Đông-Tây trong quá trình làm quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ phải phối hợp bàn bạc với Sở QH-KT để đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 vừa phù hợp với quy chế quản lý chung của cả khu vực vừa có tính khả thi cao.

Các địa phương khi chỉnh trang đô thị theo hướng “bóc lõm” các khu nhà lụp xụp, sau đó xây dựng nhà cao tầng vừa phục vụ tái định cư tại chỗ cho người dân bị giải tỏa vừa kinh doanh để có thêm nguồn thu phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, cũng phải thống nhất quy hoạch chi tiết 1/500 của công trình với Sở QH-KT và các sở, ngành liên quan.

Công trình công cộng tại khu vực này chủ yếu là những mảng xanh. Tuy nhiên, sẽ không thể có những cây to vì bên dưới đại lộ Đông - Tây dày đặc các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Thay vào đó sẽ là các tiểu cảnh được nghiên cứu kỹ bằng những dự án riêng biệt nhằm tạo vẻ đẹp cho cả khu vực.

Theo ông Hồ Quang Toàn, các công trình cần bảo tồn sẽ được nghiên cứu thêm. Có thể một số công trình nhà liên kế tại quận 1 xây từ thời Pháp và Nhà máy Bột mì Bình Đông, Nhà máy Bột giặt Net… đã phản ánh một giai đoạn kinh doanh phồn thịnh của Sài Gòn xưa, sẽ được giữ gìn.

Những vấn đề cụ thể cho từng công trình sẽ được bàn bạc trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả sẽ được triển khai nhanh chóng nhằm đảm bảo cho người dân sớm có căn cứ xây, sửa lại nhà sau khi đại lộ Đông - Tây đi vào hoạt động.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng