Cần xem xét trách nhiệm địa phương vì để Alibaba bán hàng vạn sản phẩm 'ma'

Cập nhật 27/06/2019 11:00

Liên quan đến việc mua bán các dự án 'ma' của Công ty Alibaba, các chuyên gia cho rằng cần xem xét trách nhiệm của địa phương, nơi có dự án phân lô, rao bán, xây dựng hạ tầng.

Bó vỉa bê tông được "khắc phục" bằng cách lấp đất lại rất sơ sài - Ảnh: Nguyễn Long

Liên quan đến việc mua bán các dự án 'ma' của Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) gây hoang mang dư luận thời gian vừa qua, các chuyên gia cho rằng cần xem xét trách nhiệm của địa phương, nơi có dự án phân lô, rao bán, xây dựng hạ tầng. Đồng thời phải xử lý hình sự để răn đe, phòng ngừa.

Các dự án của Alibaba không tuân thủ quy định

Theo luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (thuộc Đoàn LS TP.HCM), thủ đoạn mua bán các dự án 'ma' của Công ty Alibaba như báo chí thông tin thời gian vừa qua có dấu hiệu của tội "lừa dối khách hàng" theo điều 198 BLHS 2015. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như hành vi lừa dối khách hàng rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù hành vi này xảy ra tương đối phổ biến. Còn xử lý hình sự thì đối với cá nhân là chủ sử dụng đất có thể bị khởi tố về tội vi phạm quy định về sử dụng đất đai theo điều 228 BLHS 2015.

LS Thục phân tích, nếu đúng thực tế không có dự án nào được cấp phép cho Công ty Alibaba. Thay vào đó, công ty dùng chiêu trò núp bóng, đứng phía sau một số chủ đất để thực hiện việc rao bán nền dưới tên nhiều dự án khác nhau thì hậu quả thật khôn lường, hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Bởi nếu cá nhân mà ủy quyền cho công ty thì luật dân sự không cấm nhưng ủy quyền để làm gì? Nếu ủy quyền để phân lô bán nền thì vi phạm pháp luật vì không đáp ứng điều kiện theo quy định.

"Để có được một dự án phải trải qua nhiều quá trình bởi bất động sản là một dạng hàng hóa đặc biệt, chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành: luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản. Với điều kiện là phải đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng như: dự án phải được duyệt, có quy hoạch 1/500, quyết định chấp thuận đầu tư dự án, đã hoàn thành xong phần móng... Đồng thời chủ đầu tư phải báo cáo Sở Xây dựng khi tiến hành huy động vốn. Mọi hoạt động huy động vốn không đúng với nghị định 99/2015 hướng dẫn luật Nhà ở đều vi phạm pháp luật. Trường hợp của Công ty Alibaba cần phải xác định công ty này có phải là chủ đầu tư hay không?", LS Thục nhấn mạnh.

LS Thục kiến nghị, trong quá trình kinh doanh BĐS phải ngăn chặn từ ban đầu tại chính quyền sở tại, nơi có dự án phân lô, rao bán, xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, phải xem xét trách nhiệm địa phương; họ có biết hay không, hay biết mà làm ngơ...?

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

LS Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, theo điều 4 Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định: “Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm…”. Như vậy, việc kinh doanh đối với bất động sản phải tuân thủ nghiêm ngặt luật kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, luật Kinh doanh bất động sản không cho phép kinh doanh bất động sản dưới hình thức đa cấp.
Nhà tiền chế tại dự án Alibaba Tân Thành Center City 2 - Ảnh: Nguyễn Long

Ngoài ra, LS Nam nói thêm Nghị định 124/ 2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với thương nhân bán hàng đa cấp không thực hiện đúng quy định về đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trường hợp nếu các chủ đầu tư huy động vốn hoặc bán bất động sản theo mô hình đa cấp nhưng không có sản phẩm bất động sản để giao cho khách nhằm chiếm đoạt tiền đầu tư của khách thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, 175 BLHS.

Về trách nhiệm dân sự, theo LS Nguyễn Hải Nam, khi các dự án của công ty không có phép và bị thu hồi thì theo Bộ luật Dân sự, công ty buộc phải hoàn trả lại toàn bộ tiền đầu tư cho khách hàng, đồng thời, nếu khách hàng chứng minh được có thiệt hại từ việc đầu tư đó thì công ty còn phải bồi thường những thiệt hại cho khách hàng.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khi làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (nghi can đã bị Công an TX.Phú Mỹ bắt tạm giam), đại diện Công ty Alibaba khai nhận công ty này đã hợp tác với 5 doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại TP.HCM, Đồng Nai để kiếm khách hàng phân phối chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 7 dự án trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Căn cứ vào việc hợp tác trên, từ ngày 23.4.2017 - 9.10.2018, Công ty Alibaba đã triển khai 7/8 “dự án”, thu về hơn 770 tỉ đồng.

Cơ quan chức năng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết các dự án mà Công ty Alibaba công bố là các dự án “ma”, đều là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân lô bán trái phép, nên không thể ra sổ đỏ và không thể xây dựng được.

Nhóm các Công ty Alibaba trong quá trình thực hiện dự án cũng không tuân theo bất kỳ quy định nào của pháp luật.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên