Cần Thơ phát triển đô thị kèm cảnh quan sông nước

Cập nhật 15/03/2013 09:55


Một góc đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ.
Tháng 9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 207, phê duyệt quy hoạch chung về xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2025, xác định Cần Thơ sẽ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bản thân thành phố Cần Thơ sẽ phát triển gắn với cảnh quan sông nước, thể hiện nét độc đáo của đô thị tiêu biểu trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Cần Thơ trong thời gian tới rộng 139.000ha, dân số có 1,8 triệu người (nội thành 1,1 triệu người).

Kiến trúc cảnh quan đô thị phát triển theo hướng phía Tây Bắc dọc sông Hậu là khu đô thị-công nghiệp-dịch vụ Thốt Nốt, khu đô thị-công nghệ cao ở phía Bắc sông Ô Môn và khu công nghiệp nặng gắn với cảng phía Nam rạch Ô Môn. Phía Đông Nam dọc sông Hậu phát triển khu đô thị, cảng công nghiệp Cái Răng. Phía Tây Nam phát triển khu đô thị sinh thái gắn với các khu bảo tồn tự nhiên sông nước, vườn cây ăn trái. Phía Tây phát triển các vành đai nông nghiệp ngoại thành.

Có 6 khu nhà ở mới có diện tích 5.800ha, cư dân 690.000 người sẽ được xây dựng hiện đại, gồm khu nhà ở dọc quốc lộ 91B, phía Bắc cồn Cái Khế và quận Bình Thủy; khu nhà ở ven sông Cần Thơ và phía Nam quốc lộ IA thuộc quận Cái; khu nhà ở thuộc khu công nghiệp nặng Ô Môn được bố trí tại phía Nam sông Ô Môn và phía Đông Nam quốc lộ 91; khu nhà ở thuộc khu đô thị-công nghiệp công nghệ cao nằm tại phía Bắc sông Ô Môn; khu nhà ở thuộc khu đô thị sinh thái Phong Điền; khu nhà ở tại Thốt Nốt-Lộ Tẻ.

Các khu công nghiệp tập trung, kho tàng và cảng rộng 3.800ha gồm khu công nghiệp Hưng Phú I và II gắn với cảng Cái Cui; khu công nghiệp nặng và cảng Ô Môn gắn với các nhà máy điện và ximăng; khu công nghệ cao Bắc sông Ô Môn; khu công nghiệp-kho cảng Thốt Nốt ven sông Hậu và kênh Cái Sắn cùng hệ thống cảng Trà Nóc, Thốt Nốt, cảng du lịch Ninh Kiều.

Thành phố xây dựng các trung tâm cấp vùng rộng 500ha, gồm trung tâm hành chính, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, dịch vụ, thương mại, trung tâm thể thao vùng, trung tâm văn hóa Tây Đô, trung tâm y tế vùng bố trí tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, các cồn trên sông Hậu.

Trung tâm chuyên ngành nông nghiệp kỹ thuật cao được bố trí tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (quận Ô Môn). Các khu công viên mặt nước, cây xanh rộng 3.000ha, được bố trí ven sông Hậu, cồn Ấu, cồn Sơn, cù lao Tân Lộc...

Vùng ngoại thành bao gồm các huyện Vĩnh Thạnh, Cở Đỏ, Phong Điền có chức năng là vùng phát triển các đô thị vệ tinh, vùng đệm, vùng sinh thái và phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ dành 4.090ha đất xây dựng giao thông, tổng chiều dài đường chính trong thành phố là 362km.

Riêng giao thông, Cần Thơ sẽ xây dựng quốc lộ 1A, đoạn đi qua thành phố có lộ giới 80 mét, quốc lộ 80 có lộ giới 45 mét, quốc lộ 91B có lộ giới 80 mét, tuyến cao tốc nối trục quốc lộ 80 và đường N2 đi qua tỉnh An Giang.

Thành phố xây dựng tuyến giao thông thủy quốc tế trên sông Hậu, giao thông nội vùng gồm các tuyến kênh Cái Sắn, sông Cần Thơ, kênh xáng Xà No, sông Ô Môn, Thốt Nốt. Cần Thơ nạo vét các kênh rạch bảo đảm cho phương tiện có tải trọng từ 5 tấn. Bến tàu khách chính bố trí tại bến phà Cần Thơ hiện nay, đồng thời, thành phố xây dựng thêm nhiều bến tàu hàng hóa, hàng khách trên nhiều tuyến sông chính.

Sân bay Trà Nóc được mở rộng thành cảng hàng không quốc tế. Thành phố xây dựng bến xe mới tại quận Cái Răng rộng 20ha. Các bến xe hiện nay sẽ chuyển thành bến xe buýt; xây dựng thêm các bến xe liên tỉnh tại các quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN