Cân nhắc xây nhà cao tầng ở khu trung tâm

Cập nhật 11/08/2010 14:40

Có 3.500 lượt người xem và 1.180 người góp ý tại triển lãm lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch chung (QHC) Hà Nội được tổ chức tại TPHCM trong tháng 7 vừa qua. Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch trục Thăng Long kết nối khu vực Hồ Tây và vùng núi Ba Vì có ý kiến đạt tỷ lệ thấp nhất (hơn 76%).

86,39% ý kiến đồng ý

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân cho đồ án QHC xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là QHC Hà Nội), Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND TPHCM tổ chức triển lãm QHC Hà Nội tại TPHCM. Kết quả có 86,39% số người dự triển lãm đồng ý với các nội dung của đồ án QHC, chỉ có 13,61% số người có góp ý bổ sung hoặc chưa thực sự đồng ý.


Các vị khách tham quan đề án quy hoạch chung Hà Nội. Ảnh: Huy Anh

Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với ý tưởng quy hoạch Hà Nội thành một thủ đô xanh, văn minh, hiện đại với cấu trúc một đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, phát triển mạnh về phía Tây. Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến các giải pháp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khá hoàn chỉnh cũng như đưa ra chiến lược gìn giữ 70% đất hành lang xanh và dành 30% đất còn lại cho phát triển đô thị.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng không nên tăng quy mô dân số của Hà Nội, không nên xây dựng nhiều nhà cao tầng trong khu vực trung tâm dẫn đến gia tăng hoạt động của dân cư, ùn tắc giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật. Không gian trung tâm Hà Nội cần gìn giữ bản sắc riêng của thủ đô - như khu phố cổ với Hồ Gươm hay Quảng trường Ba Đình với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các công trình lịch sử quan trọng khác. Theo ý kiến của người dân TPHCM, các đô thị vệ tinh cần được bố trí các khu chức năng thích hợp để tạo việc làm cho người dân địa phương và thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác đến cư trú và sinh sống lâu dài.

Một nội dung quan trọng của QHC Hà Nội được người dân quan tâm là giải quyết cơ sở hạ tầng các ngành giáo dục, y tế. Có đến 87,92% số ý kiến đồng ý với đề xuất lộ trình di dời một số bệnh viện và trường đại học ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng các cơ sở hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, QHC Hà Nội cần nghiên cứu sử dụng diện tích này để tổ chức thêm không gian sinh hoạt cộng đồng, công viên lớn, khu thể dục thể thao quần chúng, các quảng trường lớn, các công trình văn hóa để tổ chức các sự kiện lớn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đối với dân cư vùng nông nghiệp cũng cần giáo dục ý thức, lối sống đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa nhanh, nhằm hướng tới một thủ đô thực sự văn minh và thanh lịch. Lần này QHC Hà Nội đã đưa ra nhiều mô hình áp dụng cho các vùng nông thôn mới tại Hà Nội và đây là điểm mạnh so với lần quy hoạch trước nhằm tạo công ăn việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế gia đình, hạn chế tránh di cư vào nội đô. Tuy nhiên, cũng cần giải quyết tốt bài toán môi trường, giao thông cho nông thôn và tránh tình trạng đô thị hóa nông thôn, đền bù không thỏa đáng, người dân mất ruộng, thất nghiệp phát sinh tệ nạn xã hội.

Xây dựng vành đai xanh

Đồ án QHC dự kiến xây dựng hệ thống vành đai xanh, chiếm 68% tổng diện tích đất tự nhiên. Về mạng lưới không gian xanh, đất cây xanh trong đô thị sẽ tăng từ 2 - 3m2/người lên 10 - 15m2/người, cải thiện môi trường sống của đô thị. Về các đề xuất này, có gần 90% số ý kiến đồng ý việc hình thành hành lang và vành đai xanh cho thủ đô. Trong khu vực vành đai xanh nên tổ chức các khu công viên thể dục thể thao, khu sinh thái du lịch, vườn ươm... theo hướng xã hội hóa.

Về bảo tồn di sản, các ý kiến cho rằng, đối với khu vực có hồ, cần quy định không xây dựng các công trình cao tầng ven hồ, đặc biệt là hồ Tây và cần có thêm các biện pháp bảo tồn hệ sinh thái vùng nông thôn và kiến trúc cổ, truyền thống của nông thôn; cân nhắc cho phép xây dựng nhà cao tầng bên cạnh các biệt thự có giá trị, vì các công trình cao tầng có thể làm ảnh hưởng đến không gian đồng nhất của trung tâm Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng