Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật nhà ở (sửa đổi); dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số các đại biểu tán thành với việc cần phải sửa đổi Luật Nhà ở hiện hành để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội. Đồng thời, tăng cường sự quản lý thống nhất của trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở...
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với với nội dung quy định về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo các đại biểu, quy định này đã khuyến khích kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thu hút nhân tài, nguồn lực, kinh nghiệm cho đầu tư, phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.
Về chính sách phát triển nhà ở công vụ, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, không nên phát triển nhà ở công vụ một cách tràn lan, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới phải sử dụng nhà công vụ. Những trường hợp khác có thể tính vào lương để trả cho cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, luân chuyển để đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng khi thực hiện công vụ được giao.
“Luật nên thiết kế lại chế định nhà ở công vụ theo kiểu có một công ty cho thuê nhà công vụ. Một người được bố trí công tác sẽ được giới thiệu tới công ty cho thuê nhà công vụ, nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí một phần, không phải toàn bộ như hiện nay” – Đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội nói.