Cần khung giá đất riêng cho đô thị đặc biệt

Cập nhật 16/01/2020 08:18

Thị trường bất động sản TP.HCM đã trải qua một năm đầy u ám, mới đây việc TP.HCM giữ nguyên bảng giá đất hiện hành cho giai đoạn 2020 – 2024 được cho là động thái tích cực giúp ổn định thị trường.

Khung giá đất tại TP.HCM sẽ không tăng trong 5 năm tới

Ngày 15/1, HĐND TP.HCM họp phiên bất thường lần thứ 18 để thảo luận, xem xét và thông qua bảng giá đất TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024 và hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020. Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua bảng giá đất năm 2020 với tinh thần giữ nguyên bảng giá đất cũ ban hành năm 2014.

Cụ thể, giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề; giá đất kinh doanh, sản xuất phi nông nghiệp, đất giáo dục, đất nghĩa địa, nghĩa trang bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất trong khu công nghệ cao được tính theo mặt bằng giá đất ở; đất thương mại dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở. Đất nông nghiệp trong khu dân cư bằng 150% giá đất nông nghiệp cùng loại trong khu vực…

Khu vực có giá đất ở cao nhất TP.HCM vẫn thuộc tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) với 162 triệu đồng/m2, trong khi giá đất ở đô thị thấp nhất thành phố là 1,5 triệu đồng/m2.

Tuy không có sự điều chỉnh về giá, nhưng bảng giá đất mới giai đoạn 2020 – 2024 có một số thay đổi như điều chỉnh tên 445 tuyến đường ở 23 quận – huyện, bổ sung 364 tuyến đường, đoạn đường trong bảng giá đất tại 15 quận – huyện và 34 tuyến đường, đoạn đường trong khu công nghệ cao, loại bỏ 262 tuyến đường trong bảng giá đất ở của 9 quận – huyện…

Theo UBND TP.HCM, bảng giá đất này ổn định trong 5 năm và được xác định làm căn cứ để áp dụng trong việc tính tiền sử dụng đất (khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; chuyển mục đích sử dụng đất); tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai…

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành đề xuất giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019.

HoREA lý giải, nếu khung giá đất và bảng giá đất tăng sẽ khiến giá nhà ở tăng cao vì tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, 30% giá thành nhà phố và 50% giá thành biệt thự. Ngoài ra, nếu biên độ tăng giá trong khung giá đất, bảng giá đất quá lớn, có thể dẫn đến việc tận thu.

“Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, người dân không làm được "sổ đỏ" dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Việc giữ nguyên bảng giá đất hiện hành của TP.HCM có thể coi là thông tin tốt, tránh tác động tiêu cực đến thị trường, song vẫn có những ý kiến còn băn khoăn.

Bà Trần Thị Khánh Linh, Trưởng Bộ phận Định giá, Savills TP.HCM cho rằng, đối với người bị thu hồi đất, khung giá đất hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị trường, làm cho người bị thu hồi đất bị thiệt thòi và không đồng thuận. Điều này khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung.

Bên cạnh đó, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó có thể điều chỉnh nhỏ giai đoạn như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.

Về lâu dài, lãnh đạo HoREA đề xuất, đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cần có khung giá đất riêng. Hiệp hội kiến nghị bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần", nên giao quyền cho Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh chủ động, chịu trách nhiệm ban hành "Bảng giá đất".

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN