Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ nói việc triển khai gộp sổ đỏ, sổ hồng chậm sẽ gây tổn thất cả về mặt kinh tế và xã hội.
Muôn màu cuốn sổ chứng nhận quyền sử dụng đất
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được “xới” lên, song chưa lần nào chúng ta làm được?
"Sổ đỏ", "sổ hồng" và các loại sổ với nhiều sắc mầu khác nhau ở cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn là một câu chuyện dài nhất trong lịch sử quản lý đất đai hiện đại của nước ta.
Nghị định số 60 (ra ngày 5/7/1994) của Chính phủ đã đề cập đến việc cấp "Sổ hồng" về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị.
Từ đó, hàng loạt bất cập và bức xúc đã xảy ra, và cuối cùng tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương đã phải sáp nhập nhà đất với địa chính thành Sở Địa chính - Nhà đất, nhiều tỉnh có đô thị lớn đã giao nhiệm vụ quản lý nhà ở tại đô thị cho Sở Địa chính. Một mẫu giấy chứng nhận tài sản mà làm thay đổi cả tổ chức!
Cũng từ đó, hàng loạt đề xuất các mẫu sổ khác cho việc cấp giấy chứng nhận cho quyền sử dụng đất kèm tài sản gắn liền với đất thuộc phạm vi quản lý của mình: "Sổ xanh lá cây - lâm bạ" cho đất lâm nghiệp, "Sổ tím" cho công sản, "Sổ xanh nước biển’ cho khu công nghiệp.
Câu chuyện rất tương tự về "sổ đỏ", "sổ hồng" lại diễn ra vào 10 năm sau (2003 - 2004), chiều hướng phức tạp hơn và diện rộng hơn vì phạm vi điều chỉnh cho toàn bộ nhà ở, đất ở cả nông thôn lẫn đô thị.
Và những tổn hại nhìn thấy
Nếu việc triển khai gộp "sổ đỏ", "sổ hồng" chậm trễ, liệu sẽ gây tổn hại như thế nào?
Việc chậm trễ sẽ gây nhiều tổn thất cả về mặt kinh tế và xã hội.
Thống nhất được sớm thì đỡ phải in và sử dụng nhiều "sổ" trong giai đoạn chưa thống nhất như hiện nay.
Về mặt xã hội có lẽ tổn hại sẽ nhiều hơn. Từ ngoài nhìn vào, tình trạng này có biểu hiện của quá trình nhận thức về quản lý quá dài, không có quyết đáp dứt khoát. Người dân thì mù mờ với cảm giác có gì đó thiếu ổn định, chưa vội đi đăng ký để được cấp "sổ". Nhà nước thì quyết tâm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào cuối năm 2005 mà nay sắp đến cuối năm 2007 vẫn còn thấy mục tiêu khá xa vời.
Khi các thửa đất, tài sản gắn liền với đất chưa có Giấy chứng nhận pháp lý thì chính sách, pháp luật về đất đai có hay đến mấy cũng chẳng có hiệu quả bao nhiêu, có triển khai đến mấy thì tính minh bạch của quản lý cũng khó đạt được, làm sao loại bỏ đi được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai và đầu tư bất động sản.
Luật Đăng ký bất động sản mà Bộ Tư pháp đang chủ trì soạn thảo sẽ “đẻ” thêm một loại sổ nữa, đó là "sổ xanh" - giấy chứng nhận đăng ký bất động sản ?
Chúng ta cũng phải có 1 loại "sổ" thống nhất cho mọi loại bất động sản được cấp theo một quy trình đăng ký thống nhất, theo một hệ thống hồ sơ địa chính thống nhất và được quản lý trong một tổ chức thực hiện thống nhất. Đây là một nguyên lý cơ bản của khoa học hiện đại về quản lý đất đai và bất động sản.
Vấn đề trọng tâm là nên chọn "sổ" thống nhất đó mầu gì và lộ trình thống nhất ra sao. Chọn mầu gì thì phải tính tới yếu tố tâm lý về nhận thức của người dân, đừng làm cho người dân lo ngại là lại mất tiền, tốn thời gian để đổi sang "Sổ" mới.
Lộ trình ra sao thì nên công nhận tất cả các loại "sổ" mà Nhà nước đã cấp là tương đương, việc đổi cho thống nhất được tiến hành dài hạn khi có thay đổi về mặt bằng sử dụng đất mà phải cấp "sổ" mới. Ở các nước, người ta vẫn dùng cách này để đổi tiền cũ sang tiền mới, rất dễ chịu và hiệu quả cao.
Việc gộp "sổ hồng", "sổ đỏ" này sẽ do Thủ tướng quyết định, hay phải chờ QH phê chuẩn?
Hiện tại, cần phải triển khai thật thấu đáo, thật triệt để, thật kỹ lưỡng, thật trách nhiệm để Chính phủ trình Quốc hội Đề án Luật Đăng ký bất động sản (theo kế hoạch của Quốc hội khóa trước đã bị muộn gần 3 năm). Nội dung Luật này nói lên tất cả những việc cần làm trong một giải pháp thống nhất của toàn bộ hệ thống.
Nếu cấp bách thì giải pháp thực hiện ngay cũng vẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chính phủ chỉ cần ra một Nghị quyết về việc thống nhất hệ thống đăng ký bất động sản, giao cho một Bộ tổ chức thực hiện hệ thống đăng ký thống nhất đó và công nhận "sổ đỏ" và "sổ hồng" là hoàn toàn tương đương mọi mặt.
>> Xem xét hợp nhất "sổ đỏ” với "sổ hồng"
Theo VTCNews