Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ công trình xây dựng có phép ngày càng tăng cao, số công trình xây dựng sai phép, không phép giảm đáng kể.
Nếu năm 2005, số công trình xây dựng có phép chỉ đạt 71%, thì năm 2009 đã tăng lên 92%, riêng 6 tháng đầu năm 2010 đạt tới 90,4%. Tỷ lệ các công trình xây dựng sai phép giảm đáng kể, từ hai con số (22%) năm 2005 xuống còn một con số (3,2%) vào năm 2009.
Để đạt được kết quả khả quan nêu trên, là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, công tác quy hoạch được đẩy mạnh, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng phân cấp cho địa phương…
Vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Thiếu quy hoạch chi tiết, chưa có thiết kế đô thị (đối với khu vực có yêu cầu quản lý về kiến trúc) đã gây vướng mắc, dễ nhũng nhiễu trong công tác cấp phép xây dựng. Ngay cả TP lớn như Hà Nội, quy hoạch chi tiết cũng chưa được phủ kín, hiện mới có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 ở các quận nội thành và chỉ 4 quận nội thành có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500…
Hiện vẫn còn nhiều trường hợp, thậm chí có nơi nhân dân sống lâu năm nhưng vẫn chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Không đủ điều kiện để cấp phép, tình trạng xây dựng không phép vẫn diễn ra. Ngay cả những khu đô thị mới xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao và màu sắc các công trình cũng không thống nhất. Sở dĩ có tình trạng trên là do khu đô thị mới, dự án nhà ở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã có quy hoạch chi tiết được duyệt sẽ không phải xin giấy phép xây dựng. Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 không thể hiện được đầy đủ yêu cầu về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất đối với từng lô đất, độ cao, hình thức kiến trúc, màu sắc công trình… do vậy, nếu miễn cấp phép cho các loại công trình này sẽ không có căn cứ để quản lý việc xây dựng tuân thủ theo quy hoạch cũng như những quy định khác trong dự án.
Thực tế hiện nay vẫn chưa phân rõ loại giấy phép theo loại và tính chất của công trình, mẫu giấy phép và đơn xin cấp phép cho công trình và nhà ở riêng lẻ vẫn chỉ có một mẫu chung, các thông tin và nội dung trong giấy phép còn thiếu... Theo ông Nguyễn Đạm - Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, vẫn tồn tại cơ chế xin cho trong quá trình cấp giấy phép. Người dân không "xin phép" mà đề nghị cơ quan chức năng làm đúng trách nhiệm. Vì vậy, cần quy định về lệ phí, phân quyền trách nhiệm cũng như trình tự thủ tục để tránh cơ chế xin cho.
Hầu hết các địa phương chưa có quy định về cấp phép xây dựng tạm và cấp phép xây dựng nhà ở nông thôn, do còn lúng túng về thời gian tồn tại của công trình, trường hợp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy mô công trình...
Cần có Nghị định riêng
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tế, đồng thời đẩy nhanh việc cấp phép xây dựng trên địa bàn toàn quốc, cần thiết phải có Nghị định về cấp phép xây dựng, quy định rõ đối tượng, các hình thức giấy phép xây dựng, nội dung, điều kiện, hồ sơ đề nghị cấp phép, bản vẽ cũng như những căn cứ xét duyệt, việc điều chỉnh, phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan liên quan...
“Đẩy mạnh quy hoạch chi tiết và mỗi đô thị cần ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị riêng phù hợp thực tế cũng được xem là giải pháp cần thiết, tạo điều kiện cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép đã cấp”, ông Hà Lê - Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An đề xuất.
Theo ông Hoàng Thọ Vinh - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu quy định có thể thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình theo từng giai đoạn. Quy định này sẽ áp dụng đối với những công trình quy mô lớn, kèm theo những điều kiện cụ thể. Theo đó, khi chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng cho cả công trình, nếu chủ đầu tư có nhu cầu, họ có quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng áp dụng cho từng hạng mục, cả công trình hoặc nhiều công trình của một dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng