Ngay từ giữa năm 2012, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tiến hành rà soát các dự án bất động sản trên tinh thần dự án nào đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính thì mới cho triển khai.
Những dự án chưa đủ điều kiện trên thì không cho triển khai, thậm chí xem xét thu hồi. Và đã 2/3 thời gian của năm 2013 trôi qua nhưng số dự án bị thu hồi rất nhỏ so với mục tiêu đề ra. Rõ ràng xung quanh việc thu hồi dự án bất động sản còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Chỉ có khoảng 1% tổng số dự án bất động sản trên cả nước sau rà soát được các địa phương kiến nghị thu hồi, tính đến giữa năm 2013. Con số này là quá ít so với mong muốn của Bộ Xây dựng là thu hồi từ 30 - 40% tổng số dự án.
Ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Hiện Bộ đang đẩy mạnh công tác rà soát, phân loại các dự án. Những dự án nào không đáp ứng điều kiện, không phù hợp với quy hoạch của địa phương sẽ bị thu hồi. Hiện nay riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội có tới 20.000 ha đất đã giao cho các dự án nhưng không phải dự án nào cũng đã thực hiện…Việc thu hồi dự án là không dễ, và không doanh nghiệp nào muốn nhưng cần thiết thu hồi thì phải kiên quyết thu hồi.
Lý giải nguyên nhân khó thu hồi dự án, các chuyên gia bất động sản cho rằng theo quy định, khi muốn thu hồi dự án bất động sản, cơ quan chức năng phải bồi hoàn lại cho chủ đầu tư những khoản đầu tư đã bỏ vào dự án như tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này gần như không thể thực hiện.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém, là khi các cơ quan chức năng trình lãnh đạo phê duyệt dự án đã phải thẩm tra kỹ năng lực của chủ đầu tư, nay dự án chậm triển khai, nhưng cũng không dễ đề nghị thu hồi vì liên quan đến uy tín và trách nhiệm của bên thẩm định. Đó là không loại trừ khả năng có sự móc ngoặc, thông đồng để “chạy” dự án.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thu hồi dự án là vấn đề hết sức nhạy cảm, nếu xử lý không khéo, không có cơ chế công khai minh bạch sẽ dễ dẫn đến tình trạng khiếu kiện triền miên.
Công tác hậu thu hồi dự án cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi sau khi thu hồi dự án sẽ được bàn giao cho ai, và làm gì, và liệu có xảy ra tình trạng chậm triển khai như trước. Thu hồi dự án là việc làm cần thiết nhưng cần phải có sự cân nhắc kỹ giữa cái được và mất để tránh tình trạng lãng phí đất đai, nhân lực và tiền của của doanh nghiệp và xã hội.
Theo Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh – Công ty luật DAZPRO, Nhà nước cần cân nhắc việc thu hồi bởi sau khi thu hồi sẽ làm gì với dự án là vấn đề quan trọng bởi trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn như hiện nay thì việc làm này sẽ là tiền lệ cho việc ra soát các dự án khác.
Về việc thu hồi dự án bất động sản, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nêu lên định hướng xử lý: Các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng hoặc vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu thì Nhà nước thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT, các địa phương cũng cần xem xét, đánh giá về khả năng tài chính của các chủ đầu tư để hạn chế tình trạng chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án; công tác rà soát tiến độ triển khai dự án cần được quan tâm thực hiện thường xuyên, cần yêu cầu chủ đầu tư có cam kết về tiến độ triển khai dự án để các ngành có cơ sở tham mưu đề ra biện pháp xử lý; kiên quyết xử lý đối với các dự án chậm triển khai nhưng không có nguyên nhân chính đáng… Có như vậy, công tác thu hồi các dự án mới được thực hiện một cách triệt để.
DiaOcOnline.vn - Theo VITV