Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Cho người dân thuê lại tầng trệt với giá rẻ

Cập nhật 16/09/2010 08:05

Có ý kiến đề nghị nên để những hộ dân được tự lựa chọn chủ đầu tư.

Trong số báo hôm qua, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu về dự thảo nghị định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bài viết nêu rõ: Cả nước hiện có nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa thể xây mới được do nhiều chủ căn hộ ở tầng trệt không đồng ý với phương án bồi thường. Điều này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong dự thảo. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:

Nhà nước nên đứng ra làm

Căn hộ ở tầng trệt được bồi thường căn hộ mới bằng 1,15 diện tích căn hộ cũ, trong khi căn hộ từ lầu một trở lên được bồi thường căn hộ mới bằng 1,10 lần diện tích căn hộ cũ như dự thảo quy định là vô lý. Nguyên nhân rất đơn giản: Hai căn hộ này có giá trị khác nhau khá lớn nhưng mức bồi thường lại chỉ gần ngang nhau.

Theo tôi, nên làm như thế này: Anh có diện tích bao nhiêu, chủ đầu tư sẽ đền anh diện tích bấy nhiêu. Còn diện tích trội lên ở căn hộ mới anh phải mua thêm theo giá thị trường. Tầng trệt nhà chung cư mới nếu được sử dụng làm siêu thị, kiốt, dịch vụ… thì những hộ trước đây ở tầng trệt sẽ được thuê với giá ưu đãi. Ngoài ra, có thể cho họ thuê kiốt ở những nơi công cộng trong chung cư như chỗ bán sách báo chẳng hạn…

Một vấn đề quan trọng nữa là việc cải tạo lại chung cư cũ nhà nước nên đứng ra làm. Nếu để chủ đầu tư tư nhân tự làm, họ sẽ chỉ chọn những chung cư có vị trí đẹp, khi đầu tư thu được lợi nhuận cao. Ví dụ như nhà B6 Giảng Võ (Hà Nội), chung cư đó có mặt tiền đẹp nên nhiều chủ đầu tư muốn làm. Trong khi đó, những chung cư đã hư hỏng, xuống cấp ở mức nguy hiểm nhưng ở vị trí sâu, khuất nẻo thì không có nhà đầu tư nào nhòm ngó tới.


Tầng một và tầng lửng chung cư Nguyễn Kim được dùng làm trung tâm thương mại, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân trong chung cư. Ảnh: Việt Hoa.

Có một cách làm nữa là nên để những hộ dân trong nhà chung cư cũ tự xây lại nhà của mình bằng cách họ được tự lựa chọn chủ đầu tư, nhà nước tạo điều kiện cho họ vay tiền. Theo tôi, không có gì tốt bằng chính những người dân ở đó tự xây lại nhà cho mình. Nếu làm khéo, họ còn có lãi. Cải tạo nhà chung cư cũ là vì lợi ích của người dân chứ không phải để cho những nhà kinh doanh bất động sản kiếm lời. Điều quan tâm nhất của người dân là tôi được tái định cư lại ở chỗ này. Chứ không có lý gì nhà của tôi bị phá đi, tôi phải dời đi chỗ khác, sau đó chỗ ấy lại có người khác đến ở.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà – Sở Xây dựng TP Hà Nội:

Phải làm, dù va chạm quyền lợi một số người

Khi xây lại chung cư, người dân không còn căn hộ cũ, thay vào đó họ lại được nhận căn hộ mới với diện tích rộng hơn. Như vậy người dân đâu có bị thiệt. Mặt khác, cũng phải thấy rằng trong những trường hợp mở đường, người dân cũng phải mất cả đất, cả nhà trong khi xã hội lại có đường đi rộng rãi, nhà ở phía trong lại thành nhà mặt tiền... Theo tôi, xây dựng lại chung cư là để bảo đảm nơi ở cho người dân được an toàn và chỉnh trang đô thị. Điều này nhất thiết nên làm dù chắc chắn sẽ va chạm đến quyền lợi của một số người.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị TP Hà Nội:

Cần kết hợp ba lợi ích

Trước tiên phải xác định sở hữu của những căn hộ này: Các căn hộ đã được bán cho người dân chưa hay vẫn do nhà nước quản lý. Ở mỗi dạng sẽ có cách bồi thường khác nhau. Nếu nhà đã bán cho người dân rồi, theo quy định hiện hành, khi thu hồi, bồi thường phải có sự thỏa thuận giữa người dân và người chủ đầu tư. Trong trường hợp này không thể áp đặt được. Còn nhà chung cư đang do nhà nước quản lý thì lại khác.

Kế đó phải xem diện tích căn hộ tầng trệt được bồi thường là diện tích trong giấy hồng hay cả diện tích lấn chiếm. Bởi theo quy định hiện hành, với diện tích lấn chiếm ở các thời điểm khác nhau, có thể được bồi thường ở mức độ nhất định.

Khi xây lại chung cư cũ phải kết hợp ba lợi ích, đó là lợi ích của người dân, lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích trong quản lý đô thị của TP. Mặt khác, việc cải tạo lại chung cư cũ không phải chỉ để ở mà phải tăng các không gian công cộng, tăng các dịch vụ thương mại và tăng các hạ tầng xã hội. Đây là một bài toán phức tạp.

Chung cư Nguyễn Kim: Dùng hai tầng làm trung tâm thương mại

Chung cư Nguyễn Kim thuộc phường 7, quận 10, TP.HCM có chín lô với hơn 1.000 người dân sinh sống. Từ năm 2004, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của chung cư, quận 10 đã giải tỏa, di dời dân một số lô để tiến hành cải tạo, xây dựng lại. Hiện lô A và lô B của chung cư Nguyễn Kim đã chính thức đi vào hoạt động với quy mô 11 tầng. Trong đó, tầng một và tầng lửng được dùng làm trung tâm thương mại, kinh doanh các mặt hàng kim khí điện máy. Việc này góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân sinh sống tại chung cư cũng như một bộ phận người dân buôn bán tại chợ Nhật Tảo.

Được biết, trong năm năm tới, quận 10 sẽ thực hiện giải tỏa toàn bộ số chung cư quá cũ còn tồn tại. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình đã nêu trên hay không thì còn tùy vào tình hình thực tế của từng chung cư (theo ông Nguyễn Kim Đặng, Phó Chủ tịch UNBD quận 10).
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP