Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp đất sản xuất cho 11.715 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (là những hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất) với tổng diện tích trên 4.807 ha, đạt 46,3% trong tổng số hộ cần được cấp đất và 44,5% về diện tích. Tỉnh Đắc Nông có tiến độ giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhanh nhất, nay đã đạt trên 91% về số hộ và 90% về diện tích. Chậm nhất là các tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chậm là do quỹ đất của các tỉnh Tây Nguyên đã cạn kiệt sau khi thực hiện Quyết định 132 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, những nơi đã được giải quyết đất ở, đất sản xuất thì các giải pháp thực hiện không đồng bộ, chưa gắn qui hoạch đất đai, qui hoạch phát triển sản xuất với qui hoạch dân cư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất cho đồng bào dân tộc tại chỗ để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Thực tế, ở các địa phương cũng chỉ mới tập trung vào khai hoang cấp đất sản xuất, chưa xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi, chưa triển khai kịp thời các công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn sản xuất cho đồng bào. Đất giao cho các hộ là phần lớn đất rẫy, đất xấu, trong khi đó việc đầu tư thuỷ lợi nhỏ chưa được triển khai xây dựng, đồng bào không có vốn, trình độ canh tác còn thấp... nên đồng bào tuy có nhận đất, nhưng lại bỏ đất trống, hoặc canh tác không có hiệu quả.
Đa số diện tích vườn cây cà phê của các nông trường đã ký hợp đồng khoán, hoặc liên kết, liên doanh với các hộ gia đình. Các hộ nhận khoán đã đầu tư khá cao cho vườn cây nên nếu thu hồi vườn cây để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thì phải tính toán giá cả phù hợp (yêu cầu mức đền bù cao hơn nhiều so với quy định hiện hành, khó có tính khả thi).
Việc quán triệt, tuyên truyền Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ chưa được sâu sắc, một số ngành, địa phương và cơ sở của các tỉnh Tây Nguyên chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc thực hiện. Một số qui định ban hành chưa kịp thời và chậm được điều chỉnh cho phù hợp (cụ thể như quy định về đền bù vườn cây lâu năm)...
Các tỉnh Tây Nguyên đã đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay của vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, giải pháp ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ bằng việc cấp đất mà còn phải kết hợp đồng bộ với các hỗ trợ khác về sản xuất, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135, xoá đói giảm nghèo...
Các địa phương cũng rà soát điều chỉnh lại quỹ đất, quy hoạch lại sản xuất các cây, con hàng hoá chủ lực, gắn quy hoạch vùng nguyên liệu với quy hoạch điều chỉnh mạng lưới cơ sở chế biến và tiêu thụ nông sản. Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần phân loại các hộ gia đình không có đất và thiếu đất sản xuất để có giải pháp phù hợp như hộ có nhu cầu thực sự về cấp đất sản xuất thì cấp đất sản xuất, hộ có nhu cầu về giao rừng, khoán rừng, hay hộ có nhu cầu về hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, dịch vụ, ngành nghề, làm công nhân trong các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp.
Để có quỹ đất, theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các tỉnh Tây Nguyên trước hết thu hồi đất bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường thuộc địa phương. Nếu không còn quỹ đất thì thu hồi đất trồng cây hàng năm ven sông, suối của các nông lâm trường Trung ương hoặc lấy quỹ đất 5% của địa phương. Làm tốt hơn nữa công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đưa đồng bào vào lầm công nhân ở các nông, lâm trường.
Các tỉnh Tây Nguyên tăng cường hơn nữa tốc độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công tác thuỷ lợi, củng cố hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật nhất là ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ... Các tỉnh Tây Nguyên cũng nên rà soát lại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trước đây đã bao chiếm đất của các nông, lâm trường, hoặc đã có đất xâm canh ở nơi khác nhưng họ không khai báo để được hưởng đối tượng 132, 134.
Tuỳ từng trường hợp và điều kiện cụ thể xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào nhằm giảm áp lực về đất đai cho địa phương, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Với những biện pháp tích cực trên, các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu đến cuối năm 2007 hoàn thành công tác cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng xem ra khó có khả thi.
Theo Quang Huy - Bộ TN & MT VN