Các "siêu" công viên nghĩa trang quá chậm tiến độ

Cập nhật 23/08/2010 14:10

Quá nhiều trang trại và mối lo ngại của người dân về ô nhiễm môi trường là những "rào cản" khiến các công viên nghĩa trang ở Hà Nội vẫn còn... trên giấy.

Sau khi sáp nhập, diện tích tăng gấp ba và dân số dự kiến tăng gấp đôi (2030), nhu cầu an táng của người dân Thủ đô đang trông chờ vào hai dự án “siêu” nghĩa trang tại Ba Vì (Yên Kỳ 2) và Sóc Sơn (Thiên Đường), nhất là khi nghĩa trang Văn Điển đã chính thức dừng hung táng.

Tuy nhiên, dù đã được phê duyệt gần một năm nay, đến thời điểm này, cả hai dự án trên vẫn chưa thể khởi công, thậm chí có nơi còn chưa hoàn thành công tác đo đạc thiết kế.


Dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đường gặp khó khăn khi triển khai do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Ảnh: Tuyết Trịnh.

Được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, Công viên nghĩa trang Thiên Đường nằm tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn có diện tích 130 ha do Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ Hoa Sen làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nghĩa trang này sẽ đáp ứng nhu cầu an táng của người dân Thủ đô trong vòng 50 năm.

Dự kiến đến hết quý III năm 2011, giai đoạn 1 của Công viên nghĩa trang Thiên Đường Sóc Sơn sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên đã gần một năm trôi qua, dự án này vẫn chưa thể đo đạc, lập quy hoạch để triển khai vì vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân địa phương cho dù UBND thành phố đã đưa ra chủ trương ưu tiên đầu tư 115 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh tại xã.

Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết xung quanh phạm vi dự án nghĩa trang có rất nhiều trang trại. Cụ thể có tới 88 trang trại và 25 dự án trong phạm vi 130ha. Bên cạnh đó tâm lý e ngại về môi trường của người dân cũng là nguyên nhân chính gây cản trở cơ quan chức năng tiến hành dự án. “Chúng tôi đã tiến hành hàng chục cuộc họp với dân song tâm lý này vẫn chưa được giải tỏa. Đáng nói là ngay cả một bộ phận cán bộ thôn, đảng viên cũng chưa nhận thức được đây là mô hình công viên nghĩa trang sinh thái, không hề gây tác động tới môi trường” ông Nguyệt nói.

Trước những vướng mắc trên, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Phí Thái Bình khẳng định, thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí hỏa táng, thậm chí những gia đình ở nông thôn xa, thành phố sẽ hỗ trợ cả tiền vận chuyển từ gia đình tới các cơ sở hỏa táng và sẽ không tổ chức hung táng tại nghĩa trang này để đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân quanh vùng.

“Đây là dự án đã được Thủ tướng đồng ý, UBND thành phố phê duyệt, nên chúng tôi nhất quyết phải làm bằng được. Trước mắt sẽ giải quyết vướng mắc về tư tưởng trong dân chúng qua việc họp lấy ý kiến thậm chí tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo với nhân dân địa phương để làm rõ thắc mắc”, ông Nguyệt cho biết.

Trong khi đó, với diện tích quy hoạch tổng thể lên tới hơn 600 ha, dự án Nghĩa trang Yên Kỳ 2 tại huyện Ba Vì được coi là nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á với tổng diện tích 600 ha. Theo ông Thiều Văn Bường, Chánh văn phòng UBND huyện Ba Vì, đến nay, chủ đầu tư mới vừa hoàn tất bản thiết kế quy hoạch để trình UBND TP phê duyệt. “Chúng tôi cũng đã tiến hành họp lấy ý kiến người dân song nhiều ý kiến còn tỏ ra chưa đồng tình. Chính vì vậy khâu giải phóng mặt bằng phục vụ thi công giai đoạn 1 với diện tích 230 ha vẫn chưa thực hiện được”, ông Bường nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt