Các địa phương nên ngưng cấp giấy hồng

Cập nhật 08/08/2009 08:20

Người dân làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Bình. (Ảnh chụp ngày 7-8). Ảnh: HTD

Chỉ đạo của Thủ tướng: Các địa phương vẫn tiếp tục nhận và xử lý hồ sơ nhưng chờ có mẫu giấy mới thì mới cấp giấy.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm qua (7-8), ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết thành phố đang tập hợp tờ trình và kiến nghị của các sở để xem xét, cần thiết thì xin ý kiến của cấp trên, ngay lúc này thì chưa thể nói gì về chuyện ngưng hay tiếp tục cấp giấy hồng.

Như Pháp Luật TP.HCM đã liên tục thông tin, việc cấp giấy hồng từ ngày 1-8 ở TP.HCM hiện đang rất rối bởi Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng cũng như các quận, huyện đang có cách hiểu và thực hiện khác nhau.

Sau ngày 1-8 có được cấp giấy hồng? Bộ Xây dựng có chỉ đạo gì đối với các sở xây dựng trong cả nước về vấn đề này? Hôm qua (7-8), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) xung quanh những vấn đề trên.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng

* Thưa ông, nhiều quận, huyện và Sở Xây dựng TP.HCM vẫn nhận hồ sơ nhà đất để cấp giấy hồng cho người dân. Như vậy có đúng không?

+ Vừa qua, tôi biết Bộ Tài nguyên và Môi trường có đưa ra ba phương án về việc cấp giấy tờ nhà đất sau ngày 1-8 xin ý kiến Thủ tướng. Trong đó có phương án vẫn tiếp tục cho cấp giấy hồng và giấy đỏ cho đến khi có mẫu giấy mới. Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận. Ngày 29-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Thủ tướng có văn bản chỉ đạo theo phương án: Các địa phương vẫn tiếp tục nhận và xử lý hồ sơ của người dân xin cấp giấy cho nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất. Chờ đến khi có mẫu giấy mới thì cấp giấy chứng nhận cho người dân.

Khi dừng cấp giấy hồng thì các giấy hồng đã cấp trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Nhà nước cũng không yêu cầu người dân phải đi đổi giấy. Tuy nhiên, luật mới quy định về cấp một giấy cho nhà đất đã có hiệu lực, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo các địa phương vẫn tiếp tục nhận và xử lý hồ sơ, khi nào có mẫu giấy mới thì cấp. Vì vậy, các địa phương không nên cấp giấy hồng nữa.

Hướng dẫn chậm nên rối


* Việc cấp giấy tờ nhà đất rối như hiện nay là do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Như vậy là do sự chậm trễ của cơ quan nhà nước mà người dân phải ngồi chờ, mà cũng chưa biết phải chờ đến bao giờ, thưa ông?

+ Đáng lẽ sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản quy định về việc gộp giấy nhà đất thì phải có nghị định hướng dẫn đi theo ngay. Nhưng hồi đó làm luật khẩn trương quá! Trong khi đó, nghị định lại có nhiều vấn đề nên chưa làm kịp.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi trình luật thì phải trình luôn cả nghị định và văn bản hướng dẫn, hình thành bộ khung rõ ràng. Khi luật có hiệu lực thì văn bản hướng dẫn phải có ngay để triển khai. Hiện luật quy định về giấy mới đã có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn lại không theo kịp nên gây ách tắc trong việc cấp giấy. Người dân dựng vợ gả chồng, chia tách nhà đất mua bán, kinh doanh... làm sao có thể đợi được!

* Để thống nhất cách hiểu về giấy hồng hiện nay, Bộ Xây dựng sẽ ra văn bản hướng dẫn các sở xây dựng chứ, thưa ông?

+ Theo quy định mới, việc cấp giấy cho nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vì thế, việc hướng dẫn các địa phương cấp giấy hiện nay thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý nhà.

* Cảm ơn ông.

Công chứng nơi chứng nơi không

Trong Công văn số 5675 ngày 5-8-2009 gửi UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đề xuất các cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực không tiếp nhận hồ sơ liên quan đến giấy chứng nhận cấp sau ngày 1-8-2009.

Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 4, cho biết tới ngày 7-8, phòng chưa nhận được hồ sơ nào thuộc diện trên. “Nếu gặp thì chúng tôi vẫn ký, vì cho đến nay chưa có chỉ đạo nào bảo ngưng lại cả”.

Riêng Phòng Công chứng số 2 đã nhận được một số hồ sơ thuộc diện này. Trưởng phòng Hoàng Xuân Hoan cho biết: “Chúng tôi giải thích cho hai bên biết công chứng chỉ là thủ tục ban đầu, chỉ sợ công chứng xong mà người dân không làm thủ tục đăng ký được. Do đó, chúng tôi khuyên người dân nên đến cơ quan có thẩm quyền hỏi trước xem có đồng ý cho đăng ký không. Nếu được thì quay lại đây, chúng tôi sẽ ký”.

Công chứng viên Nguyễn Thị Tạc (Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc) tỏ ra thận trọng: “Quan điểm của Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường TP có sự khác nhau. Do đó, nếu có trường hợp nào như trên, chúng tôi sẽ hỏi ý kiến Sở Tư pháp”.

Về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, bày tỏ: “Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu công chứng viên nhận thấy giao dịch giữa hai bên không trái pháp luật, giấy chứng nhận được cấp đúng thẩm quyền thì họ vẫn có quyền công chứng”.

Bà Hương cũng cho rằng trong thời gian chờ có mẫu giấy mới thì nên tìm giải pháp để giải quyết nhu cầu được cấp giấy của dân. “Theo tôi, có thể làm cách sau: Nếu người dân nào chờ được thì họ có thể chờ đến khi có mẫu giấy mới. Còn nếu người dân muốn có giấy chứng nhận để giao dịch thì cơ quan có thẩm quyền có thể nghiên cứu cấp giấy chứng nhận tạm thời và ghi rõ trong phần ghi chú: giấy này chỉ có giá trị trong thời gian chờ giấy mới, chẳng hạn” - bà Hương đề xuất.
 

 

Hà Nội cũng hiểu khác nhau

Hôm qua (7-8), lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết hiện tại cá nhân, tổ chức có nhu cầu thì vẫn được cấp giấy hồng như trước, việc cấp giấy không bị dừng lại. Theo sở này, ở Hà Nội, lượng người có nhu cầu cấp giấy hồng không lớn. Sau ngày 1-8, Sở Xây dựng chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy hồng nào.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội lại khẳng định: Hiện tại, việc cấp giấy cũ đã dừng lại để chờ mẫu giấy mới. Sau khi Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn về việc cấp một giấy cho nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất, Sở đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện. Theo đó, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các quận, huyện tiếp tục nhận và thụ lý hồ sơ cho cả nhà và đất, chờ có nghị định mới thì sẽ cấp một giấy cho nhà đất. Theo ông Nghĩa, nếu trong vài tháng chỉ tiếp nhận hồ sơ thì lượng hồ sơ đọng lại ở cơ quan Tài nguyên và Môi trường sẽ nhiều.

Trường hợp nhà đất đã có giấy đỏ, giấy hồng, theo ông Nghĩa, việc chuyển nhượng vẫn tiến hành bình thường. Biến động về chủ sử dụng, chủ sở hữu được ghi trên trang bốn của giấy. Khi người nhận chuyển nhương có nhu cầu sẽ được đổi giấy mới.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP