Ngày 28/5, Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, qui định toàn bộ các khu chung cư, nhà nhiều tầng mục đích sử dụng hỗn hợp có phần diện tích là nhà ở đều phải tổ chức hội nghị và lập ban quản trị...
Hội nghị chung cư - cơ quan quyền cao nhất trong quản lý khu nhà
Theo Quy chế vừa ban hành, hội nghị nhà chung cư có thể tổ chức cho một nhà chung cư hoặc một cụm nhà chung cư, là hội nghị các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có thể cử đại diện hoặc ủy quyền cho người khác tham dự hội nghị này.
Bộ Xây dựng qui định: "Trường hợp tổ chức Hội nghị cho 1 nhà chung cư thì số người tham dự phải có số lượng trên 50% tổng số chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Trường hợp tổ chức Hội nghị cho một cụm nhà chung cư thì mỗi nhà chung cư phải cử đại biểu tham dự, số đại biểu tham dự của mỗi nhà chung cư phải có số lượng trên 10% số chủ sở hữu và người sử dụng của mỗi nhà chung cư đó".
Đáng lưu ý, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại) thì chủ đầu tư (đối với nhà chung cư nhiều chủ sở hữu) hoặc chủ sở hữu (đối với nhà chung cư có 1 chủ sở hữu) có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Hội nghị nhà chung cư là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư đó theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này.
Ban quản trị - phải đăng ký với UBND quận để được công nhận!
Hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, ban quản trị nhà chung cư từ 5 đến 15 thành viên trong vòng 15 ngày kể từ khi được hội nghị nhà chung cư bầu phải đăng ký với UBND cấp quận để được công nhận. Cũng trong 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản đăng ký hợp lệ, UBND cấp quận sẽ ra quyết định công nhận ban quản trị nhà chung cư. Nhiệm kỳ hoạt động của ban quản trị tối đa là 3 năm kể từ khi nhận quyết định này.
Ban quản trị nhà chung cư sẽ có trách nhiệm: Chủ trì hội nghị nhà chung cư; Báo cáo hội nghị nhà chung cư kết quả công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trong thời gian giữa hai kỳ hội nghị; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người sử dụng nhà chung cư trong việc sử dụng nhà chung cư; Kiểm tra đôn đốc người sử dụng nhà chung cư thực hiện đúng bản nội quy quản lý sử dụng và các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư; Tạo điều kiện để doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hợp đồng...
Bên cạnh đó, ban này cũng có trách nhiệm thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng liên quan tới việc quản lý sử dụng để phản ánh với doanh nghiệp quản lý vận hành, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết; ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và hợp đồng bảo trì với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân về xây dựng (việc lựa chọn các doanh nghiệp này phải được thông qua hội nghị nhà chung cư); theo dõi, giám sát việc quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư; nghiệm thu, thanh toán và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp...
Theo Bộ Xây dựng, ban quản trị hoặc chủ đầu tư, chủ sở hữu nhà chung cư còn có trách nhiệm thông báo trực tiếp, công khai đến các tổ chức, cá nhân trong khu nhà biết những hành vi bị nghiêm cấm như: cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung dưới mọi hình thức; đục phá, cải tạo, tháo dỡ hoặc làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị sử dụng chung, kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư; phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trái quy định; gây tiếng ồn quá mức...