Bước đột phá về hạ tầng, giao thông

Cập nhật 10/09/2010 15:25

Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) vừa có báo cáo quy hoạch chi tiết 1/2.000 và lập quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu TP.HCM. Theo đó, quy hoạch khu vực trung tâm TP.HCM sẽ có những bước đột phá từ không gian sống, hạ tầng cơ sở đến hạ tầng giao thông.


Một góc cảnh quan đô thị TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quang Nhật

Năm khu vực chính

Theo quy hoạch, khu vực trung tâm hiện hữu TP.HCM mở rộng, có diện tích 930ha gồm: quận 1, quận 3 và một phần quận Bình Thạnh, quận 4 sẽ được phân thành năm khu chính, trong đó, khu trung tâm thương mại - tài chính (CBD) là nơi tập trung nhiều công trình kinh doanh thương mại. Công viên 23.9 được đưa vào khu vực này do ở công viên này sẽ xây dựng bãi đậu xe công cộng và bến xe buýt. Chiều cao quy định đối với các công trình sát với bờ sông nhất sẽ thấp hơn 90m và cao dần về phía trong trung tâm.

Khu vực văn hoá - lịch sử sẽ là trục trung tâm văn hoá - lịch sử quanh trục đường Lê Duẩn, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Khu trung tâm văn hoá - lịch sử sẽ được tái phát triển nhằm gìn giữ các giá trị này; các dự án mới sẽ được chấp thuận nếu việc xây dựng không ảnh hưởng tới các giá trị lịch sử văn hoá hiện tại và chiều cao các công trình sẽ thấp hơn để đảm bảo sự hài hoà.

Bờ tây sông Sài Gòn là khu vực phát triển mới dọc bờ sông với quy mô lớn và được bổ sung các chức năng dịch vụ, thương mại. Chức năng ở sẽ hạn chế phát triển tại khu vực này, và sẽ được bố trí chủ yếu ở những khu vực cách xa nhà ga metro, hoặc các khu vực xa trung tâm CBD. Tại khu vực này, sẽ có một dãy công viên cây xanh từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận. Đặc biệt, bến Nhà Rồng sẽ được mở rộng, trồng thêm cây xanh, xây dựng thêm một số công trình. Định hướng không gian kiến trúc bờ tây sông Sài Gòn sẽ là phát triển các công trình cao tầng với mật độ xây dựng thấp. Chiều cao các công trình sẽ thấp dần từ trong ra phía bờ sông; sẽ có một số công trình cao tầng tại các đầu mối giao thông nối kết giữa trung tâm hiện hữu mở rộng và đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực biệt thự tại quận 1 và quận 3, là một trong những khu vực được đô thị hoá sớm nhất kể từ thời Pháp thuộc, sẽ được tái phát triển theo hướng bảo tồn. Mặc dù các công trình cao tầng không bị cấm xây dựng, nhưng sẽ được chấp thuận nếu chiều cao của các công trình thấp hơn 20m.

Khu vực cuối cùng là khu vực lân cận CBD, với mạng lưới đường theo kiểu bàn cờ, từng ô phố sẽ được kiểm soát để xây dựng các khu ở, xen lẫn với các chức năng kinh doanh thương mại. Đối với khu vực mạng lưới đường không theo trật tự sẽ áp dụng các quy chế nói trên đối với việc xây dựng mới nhằm tạo ra các ô phố vuông vức. Chiều cao quy định đối với các công trình trong khu vực này tối đa khoảng 150m.

Đột phá về giao thông


Theo TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chủ tịch hội đồng Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, nếu đồ án quy hoạch này được thực hiện nghiêm túc, bờ tây sông Sài Gòn nói riêng và khu trung tâm hiện hữu mở rộng sẽ chấm dứt nạn kẹt xe và ngập nước.

Cụ thể, theo quy hoạch, toàn bộ hoạt động giao thông cơ giới trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hoá; bên dưới sẽ xây dựng các trung tâm thương mại, bãi đậu xe. Không gian trên mặt đường, phần dọc bờ sông sẽ được làm công viên. Tại ba điểm giao thông quan trọng: cầu Sài Gòn, nhà máy đóng tàu Ba Son và cầu Tân Thuận sẽ tổ chức các điểm kết nối, trung chuyển hành khách giữa các loại hình vận tải: xe buýt, tàu điện, metro và xe buýt thuỷ. Đặc biệt, sẽ mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ 30m lên 37m (về phía cảng) để phát triển hệ thống xe buýt nhanh kéo dài đến quận 7. Hệ thống đường sắt nhẹ sẽ được xây dựng dọc bờ sông phục vụ cho quận Bình Thạnh và kết nối đến khu vực Thanh Đa nhằm phát triển du lịch ở bán đảo này.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị