Bộ trưởng Xây dựng và ước nguyện nhà ở của dân

Cập nhật 17/08/2013 10:56

Điều mà Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng như ngành xây dựng luôn trăn trở, sốt ruột và phải hành động khi người dân đang cần rất nhiều nhà ở xã hội nhưng nguồn cung lại quá ít.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng

Phát triển nhà ở xã hội vừa là nhiệm vụ Chính trị vừa mang yếu tố xã hội, khoa học…và nhân văn. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia với mục tiêu tập trung nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội là chính sách đúng, hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc cải thiện nhà ở cho người dân.

Ngày 03/8/2011, ông Trịnh Đình Dũng nhậm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đây là thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng sau một thời gian dài phát triển lệch pha về cung - cầu kéo theo một loạt hệ lụy, nợ xấu gia tăng, tồn kho lớn. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là chất lượng công trình xây dựng cũng như phải đối mặt với vấn đề phát triển đô thị tự phát, thiếu quy hoạch và kế hoạch,…

Với bản lĩnh của một chính khách, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã sẵn sàng đối mặt. Và nhiều điểm nghẽn về mặt chính sách pháp luật của ngành xây dựng đã và đang được Bộ trưởng cùng ngành xây dựng tháo gỡ theo nguyên tắc khách quan, không để chồng chéo, không bỏ trống, đúng đối tượng và tiết kiệm nguồn lực với mục tiêu phát triển chung.

Gặp Bộ trưởng ở cơ quan hay bên lề hội thảo thậm chí qua điện thoại thì câu chuyện mà ông thường xuyên trao đổi với phóng viên là những vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội. Chúng tôi hiểu, điều ẩn sâu sau những câu chuyện của vị chính khách này là mong muốn tìm kiếm thêm sự chia sẻ, phản biện. “Phát triển loại hình nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) là con đường gần nhất để đi đến mục tiêu mọi người dân được cải thiện nhà ở ”- Bộ trưởng bộc bạch.

Để người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được nhà ở, Bộ Xây dựng đã soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Dư luận đánh giá, Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là dấu mốc quan trọng của ngành xây dựng. Lần đầu tiên đất nước ta có một chiến lược riêng về nhà ở với tầm nhìn xa, trong đó cụ thể hóa 8 nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở cần sự hỗ trợ của nhà nước. Lần đầu tiên đưa ra quan điểm phát triển nhà ở là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và của người dân.

Bắt được “bệnh” của thị trường bất động sản, Bộ trưởng đã chủ động đề xuất quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Đây là một phép toán đúng vì làm một việc nhưng giải quyết được nhiều việc. Những người khó khăn về nhà ở có cơ hội mua nhà ở xã hội, xử lý được hàng tồn kho ở những lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng, đồ nội thất…, từ đó giúp khơi thông những điểm tắc nghẽn của nền kinh tế. 

Để những tư tưởng, quan điểm mới được thông suốt, sống được với thực tiễn, Bộ trưởng đã giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, thuyết phục các địa phương, doanh nghiệp, người dân hiểu và đồng lòng cho kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Bản kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ.  Ngay trong tháng 1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 trong đó đã khẳng định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia. Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi 6% /năm trong thời hạn 10 năm. 

Trước khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng “bơm” ra thị trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã "thuyết phục" ngân hàng để người dân được vay 70%, doanh nghiệp được vay 30%. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho doanh nghiệp bất động sản xây dựng nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tính từ tháng 5/2013, đã có gần 60 dự án nhà ở xã hội, dự án nhà thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội đã được động thổ, khởi công tại nhiều địa phương đúng như lời hứa của Bộ trưởng với đồng bào và cử tri cả nước tại diễn đàn Quốc hội.

Việc hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà thương mại chuyển đổi thành nhà ở xã hội được xây dựng đã kéo theo cuộc cạnh tranh mới về giá nhà ở theo hướng có lợi cho người dân. Mặt bằng giá nhà ở giảm dần, hạn chế hiện tượng thổi giá và đầu cơ. Thị trường bất động sản đã có giao dịch trở lại, đặc biệt ở phân khúc căn hộ bình dân. Nhờ đó, lượng tồn kho bất động sản tính đến tháng 6/2013 đã giảm 15,4 % so với quý I năm 2013.

Có thể nói, phát triển nhà ở xã hội là việc làm không đơn giản nếu không muốn nói là quá khó và phức tạp khi nền kinh tế của nước ta còn khó khăn, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Sự nỗ lực, quyết liệt của người đứng đầu ngành xây dựng chỉ là điều kiện cần để tạo sự lan tỏa và thống nhất về mặt quan điểm, còn điều kiện đủ là sự đột phá về chính sách tài chính, tiền tệ, đất đai, các thủ tục hành chính và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia