Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ này rà soát, tính toán đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, với vận tốc thiết kế là 350km/h, tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD. Đây là lí do vì sao mức đầu tư vênh 32 tỷ USD so với tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư theo vận tốc 200km/h (chỉ hết 26 tỷ USD).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, vốn đầu tư dự kiến ĐSCT Bắc-Nam cao do thiết kế tốc độ 350 km/h - Ảnh minh họa
Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 1672 ngày 15/3/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, từ năm 2017, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án và tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung.
Quá trình triển khai, Bộ GTVT đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia. Đồng thời, Bộ GTVT cũng trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan tại Văn bản 12919 ngày 14/11/2018 về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án (cho đến thời điểm 5/1/2019, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành về cơ bản thống nhất với đề xuất hồ sơ của Bộ GTVT trình Thủ tướng).
Sau đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ,... căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án, tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỷ USD. Ngày 14/2/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 1281 trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo Bộ GTVT, với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế. Theo đó có 2 phương án phân kỳ đầu tư, cụ thể:
Thứ nhất, phân kỳ theo chiều ngang: Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Tốc độ thiết kế là 350km/h. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,7 tỷ USD. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến (mặc dù được phân thành 2 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục) tổng mức đầu tư là 33,98 tỷ USD.
Thứ hai, phân kỳ theo chiều kỳ dọc: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h nhưng chưa điện khí hóa, mua sắm đoàn tàu diezel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150km/h với tổng mức đầu tư là 41,980 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tầu diezel để khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỷ USD.
Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất phương án và tiến độ đầu tư dự án như sau:
Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032): Chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): Tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.
Kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT cũng như ý kiến của Bộ KH-ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án,... sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước (tại Văn bản 3762/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 5/6/2019, Bộ KH-ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án) và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
“Bộ GTVT tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của dự án một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình và các quy định của pháp luật hiện hành.” - Bộ GTVT nêu rõ.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí