Khi bất động sản được giảm bớt khó khăn sẽ tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác như xây dựng, sắt, thép, nội thất…
Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) gần như rơi vào trạng thái ngủ đông. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) thu nhỏ quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa.
Do đó, mới đây việc BĐS được bổ sung vào đối tượng trong dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Bộ Tài chính trình Chính phủ được xem là tin vui lớn. Tổng gói hỗ trợ cho các ngành lên tới 180.000 tỉ đồng. Nhiều DN kỳ vọng nhờ gói hỗ trợ này trụ được qua khó khăn thì sẽ có thể bật dậy sau mùa dịch.
DN lao đao vì không có nguồn thu
Do tác động của dịch COVID-19, thị trường trầm lắng, các DN BĐS buộc phải trả mặt bằng, đóng cửa. Hàng loạt sàn môi giới đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất. Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực môi giới có tới 1/3 số sàn giao dịch phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho biết tình hình thị trường quý I-2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hằng năm. Lượng cung, giao dịch, tỉ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.
Cụ thể, đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới) mở bán đạt 53.000 sản phẩm nhưng giao dịch chỉ được hơn 7.600 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Asian Holding, lúc này DN đang phải bù lỗ vì không có bất cứ nguồn thu nào do các hoạt động mở bán dự án đều phải ngưng lại. Ông dự đoán tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài ít nhất là hết quý II-2020.
“Không có nguồn thu nhưng mỗi tháng DN vẫn phải chi tiền lương nhân viên, thuê mặt bằng, tiền điện nước, bảo hiểm… hơn 1 tỉ đồng” - ông Hậu nói.
Không chỉ BĐS ngủ đông mà nhiều ngành liên quan khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Đại diện một công ty sản xuất vật liệu xây dựng cho biết do không có đơn hàng mới nên công ty tạm thời phải cho công nhân nghỉ chờ việc. Dù không có nguồn thu nhưng công ty vẫn phải trả lương cho công nhân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá dịch COVID-19 làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến DN bị mất thanh khoản. Tình hình khó khăn làm tăng chi phí đầu tư, lãi vay… khiến DN BĐS có thể bị chuyển thành nhóm nợ xấu, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động…
Theo dự thảo nghị định mới nhất, gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất được tăng từ hơn 80.000 tỉ đồng lên tới trên 180.000 tỉ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng DN, tổ chức được hưởng ưu đãi.
Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm hai ngành kinh tế cấp 1 gồm xây dựng, hoạt động kinh doanh BĐS và 11 ngành kinh tế cấp 2. Ước tính số DN được hỗ trợ lần này lên tới 98% tổng số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cả nước.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO