Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, cùng với việc hợp nhất bộ máy hành chính, công tác quy hoạch thủ đô Hà Nội mở rộng từ 920km2 lên 3.344km2 là một công việc rất quan trọng để Hà Nội trở thành thủ đô tầm cỡ thế giới trong tương lai. Tiến độ cho công việc này đang được thực hiện như thế nào?
Phóng viên ANTG có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Ủy viên Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, người đã và đang tham gia trực tiếp công tác chỉ đạo quy hoạch thủ đô Hà Nội.
- Thưa ông, hiện công tác quy hoạch thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng đã được tiến hành đến giai đoạn nào?
- Ông Trần Ngọc Chính: Trong tương lai, Hà Nội là thủ đô của đất nước có trên 100 triệu dân. Đây là thủ đô đa chức năng, gồm: chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật - giáo dục - giao dịch quốc tế. Vì vậy sau khi có Nghị quyết 15, Chính phủ giao Bộ Xây dựng cùng thành phố Hà Nội lựa chọn tư vấn hàng đầu thế giới về lập quy hoạch với yêu cầu trước 10/10/2010 phải hoàn thành quy hoạch.
Chúng ta đã tổ chức đấu thầu quốc tế và đã có 12 nhà thầu tư vấn quốc tế tham gia. Từ 12 nhà thầu này, đã chọn được 3 nhà tư vấn để báo cáo Thường trực Chính phủ. Sau khi chấm điểm cho từng tiêu chí cụ thể về ý tưởng, trình độ chuyên gia, năng lực chuyên môn, năng lực tài chính... cuối cùng đã chọn được tư vấn chính là Liên doanh tư vấn Perkin Eastman (Mỹ) - Jina và Posco e&c (Hàn Quốc) - viết tắt là PPJ. Đây là những nhà tư vấn đã làm nhiều công trình nổi tiếng như cải tạo, mở rộng Washington; ở Việt Nam họ đã làm quy hoạch khu đô thị An Khánh, tây hồ Tây, thành phố hai bờ sông Hồng.
Tư vấn phụ bao gồm: Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng), Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và một số cơ quan, chuyên gia nghiên cứu khác.
Phải có tư vấn phụ là các cơ quan của Việt Nam vì PPJ chủ trì đề án, còn mình tham gia giúp để cùng đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội của mình, trên cơ sở đó họ hiểu mình và tư vấn.
Để quyết định lựa chọn PPJ là cả một quá trình làm việc rất thận trọng. Ngoài ý tưởng tốt về quy hoạch cho một thủ đô trong tương lai, chúng tôi còn phải kiểm tra năng lực thực sự của Chủ nhiệm đề án, những chuyên gia giúp việc và điều quan trọng là sản phẩm của họ, họ đã làm bao nhiêu công trình trên thế giới và ở Việt Nam, bởi nếu một tư vấn chưa bao giờ làm ở Việt Nam, nghĩa là họ chưa hiểu Việt Nam thì chưa chắc đã chọn.
Về thời gian, chúng tôi yêu cầu đến tháng 8/2010 là phải duyệt xong để có thể trưng bày cho nhân dân xem trước dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà thầu cũng phải chứng minh năng lực tài chính bởi chúng ta yêu cầu họ đặt cọc một khoản tiền, khi nào xong thì lấy lại. Khi chọn được rồi, đến giai đoạn mời họ sang thương thảo hợp đồng cũng mất thời gian. Đàm phán qua lại, cuối cùng ký ở mức giá 6,3 triệu USD.
Hiện PPJ đã mở văn phòng ở Hà Nội; các chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng có một văn phòng. Hai văn phòng có quy chế hoạt động, Bộ Xây dựng giao Cục Phát triển đô thị là cơ quan theo dõi phối hợp hoạt động. Tôi và lãnh đạo Bộ Xây dựng trực tiếp chỉ đạo.
Hiện nhóm tư vấn đang làm việc hết sức khẩn trương. Thông thường với công việc quy hoạch một thủ đô như Hà Nội thì phải làm trong 2 năm mới xong. Nhưng việc này rút lại chỉ khoảng trên 1 năm nên rất căng thẳng, vì 3, 4 tháng của năm 2010 chỉ dành cho xét duyệt mà xét duyệt thì lâu lắm vì phải đưa ra hội đồng chấm, hỏi đi hỏi lại từ cấp nọ tới cấp kia; và tới tháng 8 là phải xong rồi.
Từ nay đến khi hoàn thành, chúng tôi chia làm 4 giai đoạn: báo cáo về ý tưởng với Ban chỉ đạo và Thường trực Chính phủ, sau đó tổ chức hội thảo, từ đó tập hợp ý kiến, đánh giá cái gì đã làm đúng, cái gì cần khắc phục rồi tiếp tục báo cáo Ban chỉ đạo để có định hướng về tư tưởng chung. Trước khi đưa ra xét duyệt, hội đồng kiến trúc quy hoạch của cả nước với sự tham gia của cả tư vấn nước ngoài và tư vấn Việt Nam phản biện, đánh giá kết quả, bảo vệ trước hội đồng. Hội đồng cho ý kiến, cuối cùng báo cáo Thường trực Chính phủ và Thủ tướng để thông qua.
Vào ngày 17/4 này, tư vấn sẽ có báo cáo đầu tiên trước Ban chỉ đạo quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Tôi biết họ đang chuẩn bị rất khẩn trương. Đây là báo cáo rất quan trọng, bởi đó là ý tưởng đầu tiên về quy hoạch thủ đô trên cơ sở nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng duyệt.
Bản thân tôi cũng đang hồi hộp chờ xem các nhà tư vấn sẽ đưa ra quy hoạch thủ đô thế nào vì ngay với các nhà quy hoạch, đây cũng là dịp hiếm hoi họ được làm quy hoạch cho thủ đô của một đất nước với những đặc thù không phải là quy hoạch cho một thủ đô mới hoàn toàn mà là mở rộng thủ đô, nhưng phần mở rộng rất lớn. Rất ít quốc gia có thủ đô lớn như thế. Vì vậy, tư vấn cũng muốn thể hiện khả năng. Nếu thành công thì họ sẽ có thương hiệu tầm cỡ quốc tế.
Tôi không nhớ ai đó đã nói một câu rất hay "Đô thị chính là sáng tạo bậc nhất của loài người". Để quy hoạch đô thị thì phần đánh giá hiện trạng là rất khó vì nếu đánh giá hiện trạng kém là quy hoạch thất bại. Đánh giá hiện trạng là quỹ nhà ở, dân cư, mức sống, công trình kiến trúc, di tích... hiện như thế nào. Do đó tư vấn chính phải ký với vài chục tư vấn khác là các viện nghiên cứu, viện khoa học, viện bảo tàng, hội kiến trúc sư để giúp đánh giá cụ thể từng lĩnh vực, từ đó mới ra được cái tổng thể. Anh em ở các viện họ rất có kinh nghiệm rồi mới đủ khả năng cung cấp cho chuyên gia. Từ cơ sở này, họ đưa ra báo cáo lần đầu.
Báo cáo lần đầu chỉ thế thôi chứ chưa thể vẽ được ra bản đồ đâu. Đưa ra bức tranh như nên làm đô thị chính thế nào, trung tâm lớn, trung tâm chính trị đặt ở chỗ nào chứ chưa thể sắp xếp được như mô hình, cái đó phải để giai đoạn cuối.
- Vậy theo định hướng quy hoạch, trong tương lai, Hà Nội mở rộng sẽ như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Ngọc Chính: Hà Nội mới mở rộng theo quan điểm hiện đại, giàu bản sắc với rất nhiều cây xanh và mặt nước, vì ngoài sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, rừng nguyên sinh, còn rất nhiều các làng quê, đặc biệt là làng truyền thống, làng văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống và đây là khu vực đình chùa miếu mạo dày đặc nhất cả nước. Vòng cung từ Chúc Sơn đến Phùng là các làng quê vừa cổ, truyền thống, văn hóa, như làng Đường Lâm có một ấp hai vua. Thế thì tư tưởng văn hóa, lịch sử ấy sẽ được thể hiện thế nào để vẫn giữ được truyền thống nhưng hiện đại hóa về hạ tầng của một thủ đô.
Một góc phía tây của thủ đô hôm nay.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND