Tại hội nghị kiểm điểm thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2007 của Bộ Xây dựng tổ chức ngày 17.7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý kiến trúc đang là công tác trọng tâm và cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, hiện việc triển khai quy hoạch khá nhiều bất cập, đặc biệt là tại các địa phương liên quan đến năng lực thiết kế đô thị và vấn đề công khai, minh bạch hoá quy hoạch. Nhiều đô thị chưa chú trọng triển khai quy hoạch chi tiết, tỉ lệ phủ kín chỉ chiếm khoảng 25-40% và trên thực tế, việc lập quy hoạch chi tiết còn bị động trước thực tế phát triển đô thị, làm chậm tiến độ đầu tư và cấp phép xây dựng, gây phiền hà cho người dân, DN và bức xúc trong xã hội.
"Ở HN, có dự án đến 4 - 5 năm nay NĐT không được cấp phép xây dựng chỉ vì chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt" - Bộ trưởng nói. Ông Đỗ Xuân Anh - GĐ Sở Xây dựng Hà Nội - nêu ý kiến: Sở dĩ có việc lúng túng là do thiết kế đô thị phải theo quy chuẩn mới và không có sự thống nhất, nên rất phức tạp.
TS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Tư vấn xây dựng - cho rằng: Có một thực trạng hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương phía bắc (như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và một số tỉnh lân cận), quy hoạch đô thị thường khá manh mún, nham nhở, không theo quy chuẩn nào. Thậm chí, một số công trình kiến trúc được chọn từ các cuộc thi thiết kế kiến trúc cũng không được triển khai trên thực tế, mà quyết theo ý muốn chủ quan của một số lãnh đạo tỉnh.
Hiện việc tiếp tục phân cấp mạnh cho chính quyền các cấp thực hiện việc tổ chức cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn, công khai các quy định, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong việc xin cấp phép xây dựng. Nhờ đó, số lượng chủ đầu tư chấp hành việc xin giấy phép xây dựng đã tăng lên và số giấy phép xây dựng do các sở xây dựng cấp tiếp tục giảm, chỉ chiếm dưới 10%. Đây được coi là biện pháp khả thi nhất để hạn chế công trình sai phép hiện nay.
Tuy nhiên, việc tổ chức cấp phép xây dựng theo cơ chế "một cửa" chưa được thực hiện triệt để. Chủ đầu tư vẫn phải qua nhiều cửa để xin thoả thuận của các cơ quan có liên quan. Tỉ lệ công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng vẫn còn cao (tại HN chiếm trên 20%, Đà Nẵng là 21%, TPHCM là 12%...). Thanh tra các sở xây dựng đã kiểm tra xử phạt hành chính trên 2.600 vụ xây dựng không phép, sai phép, với số tiền trên 5,3 tỉ đồng.
Theo Lao Động