Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có thêm nhiều dự án lấn biển

Cập nhật 29/10/2019 09:15

Sắp tới Vũng Tàu sẽ có nhiều dự án lấn biển như dự án bến du thuyền ở khu vực Sao Mai, mũi Nghinh Phong...

Phối cảnh một dự án tại mũi Nghinh Phong, Vũng Tàu đang xin chủ trương đầu tư, chờ đấu giá quyền sử dụng đất.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp lắng nghe, cho ý kiến, hướng xử lý dự án thủy cung lấn biển Bãi Trước của Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu (gọi tắt Công ty Cáp treo). Dự án đang gây nhiều dư luận trái chiều thời gian qua.

Dự kiến san lấp khoảng 3 ha dưới biển

Năm 1998, tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Bãi Trước với không gian công cộng dành cho người dân như công viên, bãi tắm, trong đó có thủy cung Hòn Ngưu. Năm 2003, tỉnh quyết định giao Công ty Cáp treo Vũng Tàu thực hiện dự án du lịch, gồm 10 dự án thành phần, trong đó có thủy cung Hòn Ngưu.

Theo Sở KH&ĐT, dự án phải hoàn thành từ năm 2015 nhưng nay đã chậm so với giấy phép được cấp. Trong quá trình thực hiện một số hạng mục dự án trên Núi Lớn, Công ty Cáp treo có một số vi phạm, tỉnh đã lập đoàn thanh tra, xử lý nhưng việc khắc phục chưa triệt để. Hiện chủ đầu tư đã đưa vào phục vụ du lịch ở khu du lịch Hồ Mây, Núi Lớn. Riêng với cụm dự án nhà ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu mới triển khai từ đầu tháng 10-2019. Dự án này dự kiến san lấp khoảng 3 ha dưới biển bên cạnh khu nhà ga cáp treo hiện hữu. Dự án cũng được tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép xây dựng sau khi điều chỉnh quy hoạch năm 2019.

Tuy nhiên, khi Công ty Cáp treo triển khai đổ đất đá xuống biển làm hạ tầng đã có nhiều dư luận trái chiều. Chính quyền TP Vũng Tàu, tỉnh cùng nhiều người dân ủng hộ nhưng cũng nhiều người dân, doanh nghiệp, cán bộ hưu trí bày tỏ không đồng ý dự án. Lý do không đồng tình được cho rằng dự án làm tác động xấu tới môi trường, dòng chảy, cảnh quan xung quanh di tích Bạch Dinh…

Từ đây những sai phạm cũ và mới về đất đai của Công ty Cáp treo bị dư luận, báo chí nêu lại với những hoài nghi năng lực chủ đầu tư và những băn khoăn cho rằng không nên xây dựng thủy cung tại đây. Ngày 14-10, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tạm dừng dự án để rà soát, xem xét, đánh giá lại toàn bộ dự án.

Sẽ thận trọng với các dự án lấn biển tiếp theo

Tại cuộc họp, ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết thực tế ở một số khu vực biển Vũng Tàu là bãi đá, không thể làm bãi tắm. Tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư một số dự án lấn biển vừa tạo cảnh quan vừa góp phần tạo điểm đến cho du khách. Khu vực biển thủy cung Hòn Ngưu là bãi đá, dự án không ảnh hưởng đến di tích Bạch Dinh và cảnh quan.

Tại đây, một số lãnh đạo khác cho rằng cách hành xử của tỉnh ở dự án thủy cung Hòn Ngưu sẽ tác động mạnh tới các dự án lấn biển khác đang xin chủ trương đầu tư.

Ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, nêu dẫn chứng để phân tích, tại Quyết định 586/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vũng Tàu đến năm 2035 có nội dung: Tại các khu vực không gian biển Vũng Tàu cần lập các nghiên cứu chuyên ngành đánh giá cụ thể. Đặc biệt về điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy hải văn, bãi triều, hoạt động kinh tế ven bờ, trên bờ biển, môi trường sinh thái, tác động nước biển dâng… Điều này nhằm xác định các khu vực làm cơ sở hình thành các điểm dịch vụ du lịch, dịch vụ công cộng cao cấp, tạo ra sự khác biệt cho du lịch biển Vũng Tàu. Trong đó, lưu ý khai thác các khu vực bãi đá ngầm có địa chất tốt, cảnh quan xấu, các khu đầm lầy, đảm bảo tầm nhìn hướng ra biển, không gây ảnh hưởng các hoạt động trên biển, trên bờ, tuân thủ pháp luật về môi trường…

“Quyết định phê duyệt của Thủ tướng không cấm chúng ta lấn biển mà phải lựa chọn khu vực để lấn, đánh giá thật kỹ, tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt cho Vũng Tàu…” - ông Khoa nói.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhu cầu về sản phẩm du lịch độc đáo của TP Vũng Tàu là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án thủy cung lấn biển phải được đánh giá kỹ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, tác động môi trường. Giải quyết vụ việc cũng phải hài hòa giữa yếu tố lịch sử và yếu tố tương lai. Phải nhất quán trong phát triển bền vững song song với bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

“Chúng ta quen nhìn không gian biển cũ, mỗi lần thay đổi chúng ta khó chịu. Nhưng khó chịu để đạt được những không gian tích cực hơn, đẹp hơn, giá trị hơn thì cũng nên ủng hộ. Tất nhiên môi trường phải kiểm soát. Sắp tới sẽ có nhiều dự án lấn biển, dự án bến du thuyền ở khu vực Sao Mai, mũi Nghinh Phong... Tôi đề nghị cơ quan nhà nước phải làm ĐTM thật sự trách nhiệm với những dự án lấn biển. Cần thiết phải tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến phản biện, góp ý của chuyên gia. Để từ đó chúng ta có những quyết sách đúng cho các dự án lấn biển” - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Không xây tổ hợp khách sạn 23 tầng che chắn biển

Tại buổi họp, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề xuất một số ý kiến: Đề nghị tỉnh xem xét theo hướng giữ dự án thủy cung nhưng không cho Công ty Cáp treo xây tổ hợp khách sạn 23 tầng che chắn biển. Thủy cung phải là một không gian mở cho người dân. Những dự án khác có quy hoạch thủy cung, đề nghị tỉnh chỉ đạo bỏ quy hoạch, chỉ quy hoạch thủy cung ở Bãi Trước.

Theo ông Lĩnh, Công ty Cáp treo phải đáp ứng đủ các điều kiện như khắc phục các sai phạm về đất đai, xây dựng. Kiểm tra lại việc ĐTM tác động dự án tới dòng chảy, chứng minh năng lực. Chậm nhất vào đầu năm 2020, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ nghe lại, xem xét, quyết định số phận dự án.
 

DiaOcOnline.vn – Theo PLO