Ba công trình giao thông quan trọng kết nối với trung tâm ĐBSCL là cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2012.
Theo Tổng công ty Đầu tư và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) chủ đầu tư của 3 dự án nói trên, dự án cầu Cao Lãnh và đường nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống đã có liên danh nhà thầu Wilbur Smith Associates & WSP Finland và Yooshin Engineering Corporation đảm nhận phần thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.
Mạng lưới một số trục đường chính tại vùng ĐBSCL - Đồ họa: Hoàng Thúy
Đến nay, Bộ giao thông vận tải (GTVT) và tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất hướng tuyến của 2 cây cầu này. Theo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức, mặc dù đã ký hợp đồng thiết kế với liên danh các nhà thầu nước ngoài nhưng vẫn cần phải có tư vấn phía Việt Nam để thực hiện một số việc như xác định vị trí hướng tuyến Cao Lãnh - Vàm Cống và vị trí kết nối của cầu Vàm Cống vào tuyến lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thi công.
Theo thiết kế cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh (đều là cầu dây văng), hai cây cầu này sẽ kết nối với khu vực trung tâm ĐBSCL. Trong đó, 3 dự án thành phần là cầu Cao Lãnh, đường nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống, cầu Vàm Cống sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng từ nguồn vốn vay thương mại của Ngân hàng châu Á, vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự kiến, 3 dự án thành phần này sẽ chính thức khởi công vào cuối năm 2012 và hoàn thành vào cuối năm 2016.
Còn dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được lên phương án giải phóng mặt bằng. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành bước nghiên cứu khả thi.
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý với phương án tài chính sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động vốn vay trong và ngoài nước, vốn của các nhà đầu tư và việc khai thác sử dụng quỹ đất dọc theo hai bên để tạo nguồn vốn thực hiện dự án.
Theo quy hoạch, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 32,3 km, trong đó đường cao tốc chính dài 24,5 km và tuyến nối dài 7,82 km.
Đường cao tốc này sẽ nối tiếp với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại nút giao quốc lộ 80, sau đó đi qua 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long và nối với đường dẫn cầu Cần Thơ tại nút giao Trà Và. Dự án, dự kiến khởi công vào năm 2012 và hoàn thành cuối năm 2014.
Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được xây dựng với 6 làn xe, vận tốc 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự kiến vào khoảng hơn 9.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 4 làn xe.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG