Ai đứng sau những sai phạm của Mường Thanh?

Cập nhật 12/07/2019 16:00

Theo Thanh tra TP.Hà Nội: Các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại...

12 tòa nhà nghễu nghện của khu HH Linh Đàm vi phạm nghiêm trọng quy hoạch giữa thanh thiên bạch nhật nhưng không được xử lý kịp thời - ẢNH: GIA HÂN

Sau khi Thanh Niên đưa tin về những sai phạm nghiêm trọng tại 9 dự án của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là vì sao những sai phạm tày đình đó lại ngang nhiên tồn tại giữa thủ đô? Cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

Cụ thể, 9 dự án của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Mường Thanh) gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm dù chỉ được quy hoạch 4.533 căn nhà nhưng đã xây lên 15.440 căn. Đặc biệt, từ 2013 đã có nhiều cuộc thanh tra đối với các dự án của Mường Thanh, trong đó đã từng có kiến nghị chuyển cơ quan điều tra với dự án Đại Thanh, nhưng chưa được chuyển. Lãnh đạo sở, quận chưa ai bị xử lý

Về câu hỏi cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Tại kết luận của mình, Thanh tra TP.Hà Nội khẳng định: “Các vi phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý, ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền sở tại nơi có dự án đã thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, không có biện pháp xử lý”.

Thứ nhất, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) có trách nhiệm ở đây, khi trong 9 dự án thanh tra, có 7 dự án thuộc khu tổng hợp và dịch vụ nhà ở hồ Linh Đàm do HUD làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra TP, năm 2007, năm 2010, HUD chuyển giao hạ tầng kỹ thuật 7 lô đất cho các công ty gồm Công ty BEMES, Công ty Thành Nam, Công ty COMA 18, Công ty Hợp Phú để thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên đã chuyển nhượng lô đất cho Mường Thanh và Công ty BEMES chưa đúng pháp luật; xây dựng vượt chiều cao, tăng hệ số sử dụng đất sai với quy hoạch nhưng HUD thiếu giám sát, không báo cáo các cơ quan chức năng về các vi phạm của dự án, chưa làm đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 theo hợp đồng chuyển giao hạ tầng kỹ thuật.

Sở QH-KT có trách nhiệm trong việc đã có rất nhiều văn bản đề xuất, chấp thuận quy hoạch bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với ô đất CC6 cũng như đối với từng lô đất HH1 đến HH4. Ngày 9.3.2015, sở này đã cấp giấy phép quy hoạch số 894 đối với ô đất CC6, trong khi tại thời điểm đó khu đất đã xây dựng các công trình cao 18 tầng (lô HH3) và 30 tầng (lô HH4). Giấy phép quy hoạch cấp sau khi dự án được xây dựng là không đúng quy định tại Quyết định số 27/2011 của UBND TP.
Chung cư Kim Văn - Kim Lũ, dự án đã bị Thanh tra Chính phủ thanh tra từ 2014 đến nay vẫn chưa công bố kết luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Việc Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân tại dự án, trong đó có cả phần diện tích vi phạm quy hoạch, chưa đúng quy định theo Văn bản số 2470/2012 của Bộ TN-MT và Văn bản số 327/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Sở Xây dựng được kết luận đã buông lỏng quản lý, chưa có biện pháp kiên quyết tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý hoặc báo cáo UBND TP xử lý, dẫn đến tồn tại nhiều dự án do Mường Thanh và Công ty BEMES thực hiện khi chưa được giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án, xây dựng công trình sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài.

Sở này còn để tình trạng cấp phép không đúng quy định, cấp giấy phép xây dựng theo hiện trạng công trình, không theo quy hoạch được duyệt.

UBND Q.Hoàng Mai, Q.Hà Đông và H.Thanh Trì đã buông lỏng quản lý, khi các dự án có vi phạm đã không kiểm tra, xử lý. Có 3 dự án gồm VP3, VP5, VP6 Linh Đàm không có hồ sơ xử lý về đất đai, trật tự xây dựng, không báo cáo đề xuất với cơ quan quản lý cấp trên những biện pháp giải quyết đối với sai phạm của các dự án, dẫn đến các công trình này vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài. UBND H.Thanh Trì có trách nhiệm trong vi phạm tại dự án CT5 Tân Triều, để xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch.

Với tất cả sai phạm như nêu trên, Thanh tra TP đã kiến nghị xử lý trách nhiệm giám đốc 3 sở QH-KT, TN-MT, Xây dựng; chủ tịch 2 quận Hoàng Mai và Hà Đông; 2 chủ tịch phường Hoàng Liệt và Kiến Hưng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cho đến nay các vị này vẫn chưa ai bị xử lý.

Có bảo kê ở các dự án của Mường Thanh?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, câu hỏi có bao che, bảo kê tại các dự án của Mường Thanh hay không từng được đoàn giám sát tối cao về sử dụng đất đai đô thị của Quốc hội đặt ra với Thanh tra Bộ Xây dựng vào tháng 3.2019 và yêu cầu giải trình. Tất nhiên, câu trả lời của Thanh tra Bộ là “ý kiến trên không có cơ sở”, kèm viện dẫn hàng loạt các kết luận thanh tra từ những năm trước đây.

Cụ thể, tìm hiểu của PV cho thấy Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định tại kết luận hồi tháng 6.2015, cơ quan này đã xác định trách nhiệm trong các sai phạm nghiêm trọng của Mường Thanh thuộc về chủ đầu tư; UBND xã Tân Triều; UBND các phường Hoàng Liệt, Đại Kim, Kiến Hưng, Phúc La; UBND các quận Hoàng Mai, Hà Đông; UBND H.Thanh Trì và Sở Xây dựng Hà Nội; yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm các cơ quan chức năng có liên quan.

Tại thời điểm Thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra, nhà HH3 và HH4 chưa xây dựng đến 40 tầng nổi; nhà HH1, HH2 vẫn là đất trống. Nhưng sau khi kết luận thanh tra thì các dự án vẫn tiếp tục mọc cao lên. Đến tháng 2.2016, tức nửa năm sau kết luận thanh tra, Sở Xây dựng Hà Nội gửi báo cáo đến Bộ Xây dựng cho biết các vi phạm về xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai số tầng, tăng mật độ xây dựng... của 9 dự án nói trên chưa được xử lý, vẫn nguyên như thời điểm ban hành kết luận thanh tra.

Từng kiến nghị xử lý hình sự và... “chìm xuồng”?

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 11.7, một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết tại kết luận thanh tra công bố ngày 28.2.2017, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra vi phạm của Mường Thanh tại dự án Đại Thanh, xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì. Kết luận thanh tra nêu rõ, dự án “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP.Hà Nội”; “các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước như luật Đầu tư, luật Xây dựng, luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản...”; “đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát ngân sách nhà nước”...

Trong khi đó, Thanh tra TP.Hà Nội cũng đề xuất UBND TP nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì kiến nghị chuyển cơ quan điều tra; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc các sở: TN-MT, Xây dựng, Chủ tịch UBND H.Thanh Trì do buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ dẫn đến để tồn tại một dự án phát triển nhà ở có nhiều vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, suốt từ 2013, dự án Đại Thanh đã được các cơ quan bộ, ngành T.Ư và sở, ngành TP thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên tất cả các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, xây dựng, kinh doanh bất động sản... nhưng đến cuối 2016, UBND TP vẫn chưa có văn bản chỉ đạo xử lý dự án sau khi có báo cáo của Thanh tra TP và các sở, ngành. Việc kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự cũng rơi vào im lặng!

Thanh tra Chính phủ vào cuộc từ 2014 vẫn chưa có kết luận

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cuối 2014, Thanh tra Chính phủ cũng đã có quyết định thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật với một số dự án nhà ở, khu đô thị mới, trong đó đã thanh tra 3 dự án do Mường Thanh thực hiện gồm: khu đô thị Xa La; dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, Q.Hoàng Mai; dự án Đại Thanh, H.Thanh Trì. Vì lý do này, Thanh tra TP.Hà Nội đã bỏ 3 dự án này ra không thanh tra. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra với 3 dự án này. Cư dân “chung cư ông Thản” phần lớn không có sổ hồng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trong khoảng năm 2015 và 2016, TP.Hà Nội và Bộ TN-MT có chủ trương phối hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ hồng) cho những chủ sở hữu căn hộ tại các dự án có sai phạm do chủ đầu tư gây ra.

Với chủ trương chỉ xử lý các chủ đầu tư gây ra lỗi, còn người dân không có lỗi, không phải chịu và được xem xét cấp sổ hồng, nhiều căn hộ “chung cư ông Thản” (chung cư do Tập đoàn Mường Thanh mà ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch xây dựng - PV) đã được cấp sổ hồng nhưng không phải đa số.

“Tranh thủ có chủ trương cấp sổ hồng, đầu năm 2016 tôi nhanh chóng hoàn thiện các giấy tờ thủ tục và được cấp sổ hồng. Nhưng những chủ căn hộ từ tầng 4 trở xuống thì không được cấp vì đấy là diện tích trung tâm thương mại được chủ đầu tư biến thành căn hộ để bán”, anh Nguyễn Văn Thanh, cư dân tại tầng 8 tòa chung cư CT11, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai do Mường Thanh đầu tư xây dựng, cho biết. Theo anh Thanh, tại khu này ông Thản đầu tư xây dựng 3 tòa là CT11, CT12A và CT12B.

Trong cùng một tòa chung cư nhưng chỉ những căn hộ tại các tầng có trong quy hoạch thì mới được cấp sổ hồng. Những căn ở tầng kỹ thuật, vượt tầng hay ở diện tích trung tâm thương mại thì chưa biết khi nào được cấp sổ hồng. Tình trạng cấp sổ theo kiểu “xôi đỗ” này cũng khá phổ biến tại 6 tòa chung cư Đại Thanh ở H.Thanh Trì do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng.

Có nhà nhưng không sổ hồng cũng là tình cảnh của hầu hết các hộ dân đang sinh sống tại 12 tòa chung cư khu HH ở Linh Đàm, chung cư VP6 Linh Đàm ở P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai... Riêng với chung cư CT6 Kiến Hưng, Q.Hà Đông là dự án được Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội xác định ông Lê Thanh Thản có hành vi lừa dối khách hàng, người dân không có hy vọng nhiều được cấp sổ hồng.

Lê Quân

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT: Nếu nhà nước quyết chống tham nhũng, thì phải điều tra tham nhũng ở đây!

Khi đoàn giám sát tối cao của Quốc hội giám sát về việc sử dụng đất đai ở đô thị, tôi cũng được mời tham gia. Tại một buổi làm việc của đoàn, thì chính tôi và một số vị đại biểu Quốc hội cũng đặt ra câu hỏi tại sao? Tại sao những vi phạm khủng khiếp đến thế diễn ra ngay giữa địa bàn thủ đô, nơi tọa lạc của không biết bao nhiêu cơ quan chức năng của T.Ư và TP, trong một thời gian dài, mà lại không bị xử lý. Không ai đưa được cho chúng tôi câu trả lời.

Tôi chỉ nghe cơ quan thanh tra của Hà Nội “kêu” rằng có khi muốn vào thanh tra nhưng bị Thanh tra Bộ Xây dựng dừng lại với lý do Bộ đã thanh tra rồi. Và ngay tại báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cũng chưa trả lời được câu hỏi này. Chẳng lẽ cơ quan quản lý nhà nước bất lực đến thế? Tôi có đọc thông tin được biết cơ quan điều tra có khởi tố ông chủ Mường Thanh liên quan đến dự án CT6 Kiến Hưng. Nhưng các dự án ở Linh Đàm vi phạm còn rõ hơn nhiều, tại sao chưa bị khởi tố? Mặc dù chúng ta chưa có bằng chứng, nhưng tôi không tin rằng không có tham nhũng ở đây.

Bản thân ông Thản cũng từng nói ông ta có lúc phải tiếp đến 40 đoàn thanh tra. Chẳng nhẽ tiếp không hay sao? Theo logic thông thường, không ai chấp nhận chuyện đó. Nếu nhà nước quyết tâm chống tham nhũng, thì phải chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ chỗ này.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên