Giá nhà đất giảm trong 5 tháng liền và đang đặt ra một bài toán nan giải cho chính quyền Trung Quốc. Do tạo ra đến 13 % GDP, nên Bắc Kinh không thể để ngành nhà đất suy sụp, làm nguy hại đến toàn bộ cỗ xe kinh tế đất nước.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, trong tháng 2/2012, nhà đất tại gần 2/3 các thành phố lớn bị sụt giá. Thị trường bất động sản mất giá tại 45 trên tổng số 70 thành phố cỡ vừa và lớn. Tại 21 thành phố, giá nhà được coi là ổn định và tại 5 thành phố còn lại thì chỉ số này đã gia tăng. Đặc biệt là giá nhà mới xây giảm tại 27 thành phố so với một năm trước đây.
Nhìn đến hoạt động của các cơ quan môi giới nhà đất: khối lượng nhà bán ra giảm 14% trong hai tháng đầu năm 2012, khiến doanh thu trong ngành giảm tới 20,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Điều khó hiểu là đầu tư vào nhà đất ở Trung Quốc lại tăng 27,8%.
Báo chí Trung Quốc vào tuần trước cho biết là giá nhà đất tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải đã giảm 10% và giới trong ngành chờ đợi là sẽ còn giảm thêm từ 10 đến 20% nữa trong năm nay.
Bên cạnh những chỉ số thuần túy liên quan đến ngành bất động sản của Trung Quốc, ngân hàng JP Morgan Chase của Mỹ còn chú ý đến những dấu hiệu khác như là khối lượng xi măng và thép bán ra trên thị trường Trung Quốc giảm đi trông thấy. Đồng thời, cổ phần của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc trên các sàn chứng khoán nội địa mất giá.
Các chuyên gia nước ngoài băn khoăn lo ngại thị trường bất động sản Trung Quốc vỡ bong bóng, tác động dây chuyền tới đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới. Tại Trung Quốc ngành bất động sản chiếm tới 13% tổng sản phẩm quốc nội.
Đây chính là lý do vì sao Bắc Kinh đang đứng trước một bài toán nan giải. Một mặt chính quyền trung ương không muốn ngành kinh doanh bất động sản bị chững lại, đe dọa đến toàn cỗ xe kinh tế quốc gia, vì biết rằng ngành xây dựng là một trong những cột trụ của con tàu kinh tế Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc chưa thể nới lỏng các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản đã áp dụng từ tháng 8/2010 để kìm chế cơn sốt nhà đất, khiến một phần lớn người dân Trung Quốc không được bảo đảm có một chỗ ở. Lo lắng về chỗ ở là mầm mống gây bất ổn trong xã hội.
Từ năm 2010 chính quyền Trung Quốc đã ban hành một số biện pháp để giới hạn các hoạt động đầu cơ địa ốc, như hạn chế người dân sở hữu cùng lúc nhiều căn nhà, hay đánh thuế nhà đất tại một số các thành phố, tăng lãi suất tín dụng để giới hạn các dịch vụ mua bán bất động sản.
Thế nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc đang sa sút như hiện nay, một số thành phố mà đứng đầu là Thượng Hải đã tìm cách luồn lách những quy định khắt khe của nhà nước với hy vọng số nhà bán ra sẽ tăng được thêm từ 20 đến 30%, bởi vì trước mắt chính quyền Trung Quốc chưa có ý định nới lỏng các biện pháp làm hạ nhiệt thị trường địa ốc.
DiaOcOnline.vn - Theo RFI/ Tầm Nhìn