Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra dự thảo sửa đổi luật quản lý đất đai theo hướng tăng đền bù cho nông dân mất đất nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng nổ bạo động xã hội.
Người dân hai xã Phán Hà Đông và Phán Hà Tây biểu tình đòi đất hồi tháng 1-2012 - Ảnh: Weibo.com |
Theo Tân Hoa xã, ngày 24-12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đang xem xét dự thảo sửa đổi luật quản lý đất đai theo hướng “công bằng hơn” cho nông dân mất đất. Theo dự thảo, chính quyền Trung Quốc sẽ dỡ bỏ mức trần đền bù cho nông dân vốn bị cho là quá thấp và đảm bảo chủ đầu tư phải đền bù cho dân trước khi lấy đất. Đồng thời tiền đền bù phải bao gồm các khoản như nơi ăn chốn ở cho người nông dân mất đất, chi phí hoa màu đã trồng trọt, tiền trợ cấp di dời, phí an sinh xã hội... Nông dân mất đất và không kiếm được việc làm sẽ được đào tạo nghề mới.
“Nguyên tắc của dự thảo sửa đổi là đền bù và tái định cư trước, lấy đất sau” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Tống Đại Hàm, giám đốc Văn phòng Lập pháp nhà nước, khẳng định.
Vì quyền lợi của nông dân
Ông thừa nhận các quy định đền bù và thu hồi đất đai tại Trung Quốc hiện nay có quá nhiều bất cập, bao gồm “tiêu chuẩn đền bù quá thấp, các quy định thu hồi khắc nghiệt, không đảm bảo cuộc sống và an sinh xã hội cho nông dân mất đất”. Và ông cảnh báo: “Hành vi thu hồi đất nông nghiệp bất hợp pháp diễn ra thường xuyên ở nhiều khu vực trên cả nước. Nó đã trở thành một vấn đề lớn, đe dọa sự ổn định xã hội”.
Theo ông Tống, mức trần đền bù đất nông nghiệp ở Trung Quốc đã quá lỗi thời, không phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và cho biết rất nhiều địa phương đã thông qua mức đền bù mới vượt qua mức trần. Chính quyền các địa phương nên đền bù trực tiếp bằng nhà ở hoặc tiền mặt cho nông dân theo giá thị trường. Theo dự thảo sửa đổi, nông dân nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì có thể kiện vượt cấp lên cấp chính quyền cao hơn hoặc đưa ra tòa.
Các quy định quản lý đất đai hiện nay ở Trung Quốc tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương dễ dàng thu hồi đất nông nghiệp của dân với mức giá rẻ bèo. Điều đó đã khuyến khích các địa phương đua nhau thu hồi và bán đất. Tiền bán đất trở thành nguồn thu khổng lồ cho chính quyền các địa phương và cá nhân các quan chức địa phương. Ước tính trong năm 2011, các địa phương ở Trung Quốc đã thu về tới 482 tỉ USD từ việc bán đất.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định sự thay đổi trong luật đất đai sẽ ảnh hưởng tích cực đến đời sống của 674 triệu người dân nông thôn Trung Quốc. Tại Đại hội Đảng 18 hồi tháng 11-2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh cải cách hệ thống “sung công” đất đai theo hướng có lợi cho người dân.
Nhà nghiên cứu Dang Guoying thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định luật đất đai phải giống như bản hiến pháp trong lĩnh vực đất đai. “Việc thu hồi đất đai là sự chuyển giao các yếu tố sản xuất. Các bên có liên quan cần phải nỗ lực tối đa để thực hiện giao dịch theo các nguyên tắc của thị trường” - chuyên gia Dang nhấn mạnh.
Nguồn gốc gây bạo động xã hội
Theo Nhật Báo Trung Quốc, sách xanh về xã hội Trung Quốc do Viện Khoa học và xã hội Trung Quốc phát hành tuần qua cho biết hơn 50% các vụ biểu tình lớn xảy ra trong tám tháng đầu năm 2012 ở Trung Quốc đều do người dân bức xúc khi đất của họ bị thu hồi và nhà của họ bị san bằng mà không được đền bù.
Những vụ biểu tình lớn ở Trung Quốc tăng nhanh từ 8.700 vụ năm 1993 lên khoảng 90.000 vụ trong năm 2010. Đến nay, dư luận Trung Quốc vẫn còn sôi sục “sự kiện Ô Khảm” ở tỉnh Quảng Đông.Ngay sau đó lại xảy ra hàng loạt vụ bất ổn do thu hồi đất tại tỉnh này. Nhật Báo Quảng Đông đưa tin chỉ vài tháng sau vụ Ô Khảm, chính quyền Quảng Đông đã phải đương đầu với “bản sao Ô Khảm” ở khu Vọng Giang, thành phố Quảng Châu. Hơn 3.000 dân Vọng Giang đã bao vây trụ sở chính quyền tỉnh Quảng Đông để phản đối chính quyền địa phương đầu cơ địa ốc trái phép trên đất canh tác của dân, thu lợi 63 triệu USD.
Những vụ tương tự diễn ra rất nhiều. Kết quả khảo sát của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết hơn 43% nông dân được hỏi đều khẳng định mình là nạn nhân của nạn chiếm đất trái phép của chính quyền địa phương. Khoảng 1/4 trong số này khẳng định không được đền bù xu nào. Số còn lại nói họ chỉ nhận được số tiền thấp hơn 40 lần so với mức giá chính quyền địa phương bán lại cho các nhà đầu tư.
Tính ra 40-50% giá trị của đất bị thu hồi rơi vào tay nhà đầu tư, chính quyền địa phương đút túi 20-30%. Khoảng 25-30% nuôi dưỡng các cơ quan hành chính thôn xã. Người nông dân bán đất chỉ nhận được vỏn vẹn 5-15% “miếng bánh” đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ