Toàn cảnh giật sập tòa nhà xây dựng trái phép ở huyện Hạc Phong sáng 29-7 - Ảnh: Xinhua |
Ngày 29-7, chính quyền huyện Hạc Phong, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã kiên quyết giật sập một tòa nhà bảy tầng cao 37m do đã xây dựng trái phép bên bờ sông Cách Tử sau thời hạn một tháng để chủ xây dựng tự tháo dỡ. Cuộc chiến chống xây dựng trái phép đang diễn ra cao trào ở Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết.
Cưỡng chế chứ không đền bù
Tân Hoa xã mô tả chất nổ được gài khắp tòa nhà, và chỉ trong chốc lát cả tòa nhà đã đổ ụp xuống sông mà không ảnh hưởng gì đến các tòa nhà bên cạnh.
Trước đó, ngày 22-7, tại thành phố Quảng Châu (Quảng Đông), một số công trình trong khu biệt thự sang trọng hoa viên Hồng Thành trên đảo Nhị Sa, quận Việt Tú, cũng bị dỡ bỏ do xây dựng không đúng quy hoạch đô thị. Báo Đô Thị Phương Nam cho biết khu biệt thự này có 63 căn thì 61 căn vi phạm thiết kế xây dựng ban đầu.
Lệnh cưỡng chế đầu tiên là đối với căn nhà số 26 đường Hồng Đạt, mà chủ nhà là vợ của chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn kinh doanh bất động sản Thành Khải, một tập đoàn sừng sỏ trong lĩnh vực đất đai ở Trung Quốc. Phòng quy hoạch đô thị quận Việt Tú cho biết theo thiết kế ban đầu, căn biệt thự này chỉ được phép xây dựng hai tầng, tầng trệt cao 3,3m. Thế nhưng, căn biệt thự này đã tự biến thành bốn tầng và tầng trệt cao 4,7m mà chủ nhà chẳng hề xin phép điều chỉnh thiết kế gì cả. Tháng 6-2010, chính quyền Quảng Châu đã yêu cầu chủ nhà tự điều chỉnh thiết kế như ban đầu, nhưng mọi việc vẫn án binh bất động! Tháng 7-2010, chủ tịch thành phố Quảng Châu, ông Vạn Khánh Lương, đã kiên quyết ra lệnh tháo dỡ phần sai phạm của căn biệt thự. Ba căn biệt thự khác cũng bị cưỡng chế tháo dỡ mà không hề được một đồng đền bù.
Không phải ở đâu chính quyền sở tại cũng tỏ rõ thái độ kiên quyết như ở Quảng Châu. Ở tỉnh Giang Tô, dư luận vẫn đang sững sờ trước việc bốn khu dân cư đô thị mới Boda thành phố cảng Liên Vân từ sáu tầng đã ngang nhiên biến thành 22 tầng so với thiết kế ban đầu, bất chấp cảnh báo của chính quyền địa phương.
Dự án khu đô thị mới này được chính quyền thông qua năm 2002 và bắt đầu xây dựng vào năm 2007. Theo thiết kế ban đầu, mỗi khu nhà chỉ có sáu tầng. Sau đó, chủ đầu tư xin tăng thêm 11 tầng, và vào tháng 8-2006 cơ quan quy hoạch đô thị địa phương đã chấp nhận yêu cầu tăng thêm này. Thế nhưng, hiện khu nhà này không phải là 17 tầng mà đã ngang nhiên thành... 22 tầng! Trương Khải Lâm, giám đốc Phòng quy hoạch đô thị thành phố cảng Liên Vân, thừa nhận việc cơi nới thêm năm tầng này diễn ra ngang nhiên trước mắt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, dư luận khó hiểu việc xây dựng này đâu có phải là cái kim trong bọc mà cơ quan quản lý đô thị địa phương lại không hề biết!?
Căn biệt thự số 26 Hồng Đạt bị tháo dỡ sáng 22-7 - Ảnh: ifeng.com
|
Cuộc chiến tiền - quyền
Đầu năm 2010, chính quyền thành phố Hải Khẩu (Hải Nam) đã lập đường dây nóng 12345 để nhận thông tin về các công trình xây dựng trái phép trong khu vực. Trong bảy tháng họ đã nhận được hơn 3.000 cuộc gọi tố cáo công trình xây dựng trái phép. Mỗi ngày có 5-6 căn nhà xây dựng trái phép bị tháo dỡ. |
Báo chí Trung Quốc thời gian qua đã nhiều lần đặt câu hỏi: vì sao các tòa nhà xây trái phép diễn ra nhan nhản mà cơ quan quản lý đô thị mỗi địa phương lại không hề hay biết? Phải chăng giới chủ kinh doanh bất động sản hay những chủ nhà giàu có đã dùng tiền bịt miệng cơ quan công quyền?
Báo Phượng Hoàng nhận định việc xử phạt cưỡng chế những căn biệt thự trong khu hoa viên Hồng Thành không đơn giản là cứ phá bỏ những căn nhà sang trọng đã được xây mà đây là cả một cuộc chiến với tiền và quyền.
Tuần báo Thời Đại dẫn lời ông Hàn Hải Long, phó giám đốc Phòng quản lý đô thị quận Việt Tú, tiết lộ những chủ biệt thự trong khu này “không giàu thì cũng sang, quyền đã lớn mà tiền lại nhiều” nên việc xử phạt không đơn giản. Năm 2009, cơ quan chức năng phát hiện sai phạm của khu biệt thự này nhưng không thể thâm nhập để kiểm tra xử lý. “Chúng tôi bó tay” - ông Hàn thừa nhận sự bất lực của bản thân mà cũng là của cơ quan công quyền.
Nạn xây dựng trái phép đang như một dịch bệnh ở Trung Quốc. Nhật Báo Trung Quốc cho biết tình trạng coi thường pháp luật này xuất phát từ sự bùng nổ của ngành kinh doanh bất động sản và đây lại là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.
Giới chủ đầu tư cho rằng “đa kim ngân phá luật lệ”, có tiền là có thể đi qua mọi luật lệ. Tháng 9-2008, Phòng quy hoạch đô thị cảng Liên Vân công bố với báo chí rằng không cần thẩm định lại dự án khu đô thị mới Boda vì “việc xây thêm năm tầng trái phép không ảnh hưởng nhiều tổng quan đô thị”. Cuối cùng chủ đầu tư chỉ cần nộp phạt 250.000 nhân dân tệ. Tháng 4-2010, Đài truyền hình CCTV đưa tin chủ đầu tư khu đô thị mới Boda đã mở rộng thiết kế thêm 2.000m2 xây dựng không phép để thu lợi khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,47 triệu USD). CCTV nhấn mạnh thậm chí khu đô thị này còn không có giấy phép xây dựng từ khi khởi công năm 2007. Nghi vấn càng lớn hơn khi báo chí phát hiện Lưu Thụ Diệu, phó giám đốc cơ quan quản lý nhà thành phố cảng Liên Vân, là chủ sở hữu căn hộ có diện tích rộng nhất trong bốn khu nhà này (360m2).
Khi CCTV đặt vấn đề cần tháo dỡ năm tầng nhà sai phạm này thì chủ đầu tư ậm ừ cho rằng vượt quá khả năng tài chính của họ và sẽ ảnh hưởng đến các tầng còn lại. Về phía chính quyền, ông Lương Ba, giám đốc cơ quan xây dựng cảng Liên Vân, thừa nhận: “Chúng tôi không có khả năng đưa ra bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào đối với dự án này”.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO