Trung Quốc: Di dân ngược ở thành phố lớn

Cập nhật 28/03/2010 10:15

Cùng với xu hướng đổ xô đến các thành phố lớn ở Trung Quốc, nay nhiều thanh niên trí thức quyết định tìm đến các thành phố vừa và nhỏ, các đô thị cấp II, III để lập nghiệp.


Phố Đông hiện đại do sinh sau đẻ muộn vẫn bị xem là vùng nhà quê của Thượng Hải. Ảnh: cnzozo.com

Tốt nghiệp đại học ở Bắc Kinh năm 1995, sau gần 10 năm làm việc ở Quảng Châu và Thượng Hải, năm 2008 Chu Quảng (33 tuổi) quay về quê nhà ở Trịnh Châu, Hồ Nam. Hồi đó, Chu Quảng cứ tưởng lên Bắc Kinh học đại học sẽ không còn là nông dân, nhưng Bắc Kinh có quá nhiều nhân tài nên anh không có đất dụng võ.

Thượng Hải là thành phố có quan niệm vùng miền rất rõ ràng: chỉ những người ở Phố Tây mới được xem là dân Thượng Hải chính gốc, còn ở Phố Đông vẫn bị xem là dân nhà quê. Thu nhập của anh khi ấy chỉ mua được căn hộ 70m2 ở Chu Phố, cách Phố Đông 20km, vùng nhà quê trong mắt dân Thượng Hải với chi phí sinh hoạt cho gia đình ba người lên đến 8.000 NDT/tháng (1 NDT khoảng 2.700 đồng). Thế là anh về quê mua căn hộ rộng 130m2, thu nhập giảm đi nhưng dành dụm được nhiều hơn, lại có thể đón ba mẹ về ở chung.

Vương Tinh, tiến sĩ người Hồ Nam, từng đến làm việc ở Thượng Hải, Bắc Kinh và đầu tháng 2 vừa qua cũng quay về làm việc tại Trịnh Châu. Cô không chịu nổi cuộc sống quá tất bật, công việc không ổn định, nhà trọ chật hẹp... Khả năng mua nhà ở Bắc Kinh đã thành phi thực tế (cuối năm 2009 giá nhà khu vực vành đai 4 ở Bắc Kinh khoảng 25.000 NDT/m2, trong khi lương tháng chỉ 6.000 NDT, tiền thuê nhà hết 2.500 NDT). Riêng Dư Na, 32 tuổi, có nhà, xe và việc làm ổn định nhưng vẫn quyết định rời Bắc Kinh vì con cô không có hộ khẩu, không được chích ngừa khi xảy ra dịch cúm A/H1N1, cô cảm nhận được sự bất bình đẳng với dân ngoại tỉnh.

Theo thống kê của mạng Sina, có đến 80% dân lao động nhập cư có ý định đến các đô thị cấp II hay III phát triển sự nghiệp. Còn theo điều tra của tờ Thời Đại Thương Mại Số, có 55% trong số 611 cư dân mạng cho biết sẽ rời khỏi thành phố lớn, trong đó 41% ra đi là để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn, 36% cho rằng để có thể mua được nhà, có điều kiện sống tốt hơn...

Điều tra của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết hiện có đến 85% gia đình không mua nổi nhà. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê, giá nhà đất ở 70 thành phố trong tháng 2 tăng 10,7% so với cùng kỳ và là đợt tăng giá liên tiếp chín tháng nay. Riêng ở Bắc Kinh, giá nhà khu vực vành đai 4 nay tăng lên 31.220 NDT/m2 (gần 20%).

Theo mạng Soso.com, người thu nhập cao ở các đô thị cấp I chỉ là số ít, và dù thu nhập cao nhưng chi tiêu cũng cao. Hơn nữa, không gian phát triển ở thành phố lớn không như mọi người nghĩ. Chỉ những người có trình độ, có tiền, có quan hệ xã hội mới có cơ hội phát triển, còn những người khác chẳng khác gì những chú kiến, trong khi cuộc sống con người không chỉ cần tiếng tăm hão huyền mà còn cần chất lượng.

Tuy nhiên, mạng Sina cho rằng tình trạng lao động trí thức rời bỏ thành phố lớn đến các đô thị cấp II, III ngày càng nhiều là xu hướng trở về lý tính, xét về mặt phát triển xã hội, nhân lực. Kỹ thuật và vốn từ nơi phát triển di chuyển đến nơi kém phát triển hơn là một trong mười xu hướng lớn của quá trình phát triển hiện đại hóa xã hội.

Giá nhà tăng chóng mặt ở các thành phố lớn làm hình thành một trào lưu mới: “cưới chay”, tức đám cưới không nhà, không xe, không nhẫn kim cương, chỉ cần đi đăng ký với lệ phí 9 NDT. Kết quả thăm dò về “cưới chay” qua mạng Shoho cho thấy 47% số người được hỏi chấp nhận, 43% không đồng tình và 10% phân vân. Có đến 80% nam thanh niên đồng tình với hình thức “cưới chay”, trong khi 70% số cô gái lại phản đối.

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO