Từ nay đến cuối năm, tập trung xử lý hành vi cho thuê thay vì trưng dụng đất: Theo kết quả kiểm tra của Bộ Tài nguyên lãnh thổ tại 90 tỉnh, thành phố, từ tháng 10 - 2005 đến tháng 10 - 2006 đã xảy ra 130.000 vụ vi phạm sử dụng đất với diện tích đất lên tới 240.000 mẫu. Có ba hình thức vi phạm chủ yếu: Cho thuê thay vì trưng dụng; khai thác trái phép và chiếm dụng trước phê duyệt sau.
Hành vi vi phạm có bốn đặc điểm: Chính quyền cơ sở trực tiếp vi phạm trưng dụng đất đai; chính quyền cơ sở ngầm dung túng, thậm chí ép buộc vi phạm sử dụng đất; vi phạm trưng dụng đất kéo dài tại các thôn xã, thị trấn; vi phạm thỉnh thoảng mới phát sinh ở miền Đông nhưng bắt đầu lên cao trào ở miền Tây.
Trước tình hình này, giữa tháng 9 - 2007, Bộ Tài nguyên lãnh thổ đã phát động chiến dịch chỉnh đốn đất đai mang tên Hành động 100. Chiến dịch kéo dài đến cuối năm với trọng điểm là tập trung xử lý hành vi cho thuê thay vì trưng dụng. Đây là hành vi biến tướng trong sử dụng đất nông nghiệp, thuê đất canh tác của nông dân để xây dựng công trình. Hành vi này nhằm né tránh quy định về sử dụng đất nông nghiệp, lách quy hoạch, trốn thuế và né tránh nghĩa vụ bồi thường đất canh tác.
Gần đây, Phân cục Giám sát đất đai quốc gia ở Bắc Kinh đã điều tra tại năm tỉnh và thành phố (Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, khu tự trị Nội Mông). Kết quả điều tra cho thấy có sáu biểu hiện trong hành vi cho thuê thay vì trưng dụng: Đơn vị hoặc cá nhân sử dụng đất trực tiếp ký hợp đồng thuê đất với UBND xã; chính quyền cơ sở trực tiếp thuê đất canh tác ở nông thôn; chính quyền cơ sở chuyển nhượng thuê đất canh tác; chính quyền cơ sở làm môi giới cho thuê đất canh tác; nông dân tự ý cho thuê đất canh tác; UBND xã thuê nông dân sử dụng đất canh tác vào mục đích khác.
Do nhà nước khống chế quy mô sử dụng đất vào mục đích xây dựng công trình mới, chính quyền địa phương ngấm ngầm cho phép nông dân cho thuê đất thay vì trưng dụng. Có địa phương còn xem đây là biện pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế địa phương và giải quyết mâu thuẫn trong sử dụng đất đai tại địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, với hình thức cho thuê thay vì trưng dụng, họ có thể né chỉ tiêu quy hoạch chuyển nhượng đất canh tác, không cần làm thủ tục thẩm tra, phê duyệt mà vẫn có đất để xây dựng. Đối với nông dân, giá bất động sản không ngừng tăng. Nếu đất canh tác bị trưng thu, nông dân chỉ được lĩnh tiền bồi thường một lần. Còn nếu cho thuê đất, nông dân có thu nhập nhiều hơn làm nông nghiệp mà vẫn giữ được quyền sở hữu đất.
Theo kết quả điều tra của Phân cục Giám sát đất đai quốc gia Bắc Kinh, 73% nông dân hoàn toàn đồng ý hoặc tương đối đồng ý với hình thức cho thuê thay vì trưng dụng. Đây là vấn đề đang được nghiên cứu.
Theo Nhân Dân Nhật Báo