Các nhà hoạt động xã hội thuộc Tổ chức Mạng lưới theo dõi đặc khu kinh tế (NSEZ) hôm qua phản đối việc tăng thời hạn cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất vì cho rằng chính phủ không tiến hành lấy ý kiến người dân theo hiến pháp.
Nhà máy hóa chất trong khu công nghiệp Map Ta Phut ở tỉnh Rayong
|
Theo nghị quyết ngày 11.4, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thuê đất trong Đặc khu kinh tế miền đông Thái Lan (SEZ) với thời hạn lên đến 99 năm. Nghị quyết áp dụng áp đối với ba tỉnh miền đông Chon Buri, Rayong và Chachoengsao. Trong khi đó, luật hiện hành chỉ cho phép người nước ngoài thuê đất trong vòng 50 năm.
Các nhà hoạt động cho rằng nghị quyết phân biệt đối xử với dân nghèo địa phương muốn sử dụng đất để kiếm sống. Trước đó, Tổ chức Phong trào nhân dân cho một xã hội công bằng (P-Move) lên án nghị quyết gây ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người, chỉ trích chính phủ không có kế hoạch tái định cư cho người dân.
NSEZ đồng thời tuyên bố sẽ đệ đơn kiến nghị lên tòa hành chính để xem xét liệu rằng chính phủ có tuân thủ hiến pháp khi soạn dự thảo về SEZ. “Chính phủ hiện vẫn từ chối yêu cầu tiến hành lấy ý kiến người dân. Chúng tôi sẽ không phản đối nếu chính phủ tuân thủ hiến pháp”, bà Penchome Sae-Tang, thành viên của NSEZ, nói. Theo điều 77 hiến pháp, chính phủ phải lấy ý kiến nhân dân khi dự án phát triển, dự luật hay nghị quyết ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Chính phủ đã lên kế hoạch phát triển SEZ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm mở rộng các khu công nghiệp, nâng cấp sân bay và hệ thống đường sắt cao tốc và đường sá nhằm tăng tính kết nối với những khu vực khác ở Thái Lan. Mở rộng các khu công nghiệp ước tính cần quỹ đất lên đến 11.200 ha và tăng thời hạn cho thuê đất chỉ là một trong nhiều lựa chọn của chính phủ để thu hút đầu tư nước ngoài, theo tờ Bangkok Post (Thái Lan).
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên