Tiêu tiền hoành tráng kiểu đại gia Trung Quốc

Cập nhật 06/12/2012 14:27

Kinh tế phát triển bùng nổ tại Trung Quốc đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu. Những người này lại muốn đa dạng hóa các tài sản của mình, nên họ không tiếc tiền đầu tư hoặc mua bất động sản ở nước ngoài.
 

Fang Yi Liu, một thương gia của Thượng Hải đã mua 17 căn hộ có tổng trị giá 14 triệu USD tại Artech, một tòa nhà kính hiện đại gần Miami.


Mới đây, Chủ tịch tập đoàn đầu tư Zhongkun của Bắc Kinh là Huang Nubo đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi nói về mong muốn thuê một mảnh đất ở Iceland. Tỉ phú và cũng là nhà thơ nổi tiếng này đang chờ đợi thương vụ được hoàn tất sớm.

Trong khi đó, các nhà đầu tư người Trung Quốc khác đã thành công khi mua lại lâu đài và vườn nho Bellfont-Belcier ở vùng Bordeaux của Pháp. Các thương vụ tương tự đã khiến một số chính trị gia người Pháp giận dữ vì họ lo ngại rằng nước Pháp đang bán rẻ di sản rượu vang của mình.

Kế hoạch mua 20 hectare vườn nho Bellfont-Belcier đã được đưa tin từ hồi tháng Chín, và được trả giá lên tới 2 triệu euro cho mỗi hectare. Tờ Le Figaro của Pháp cho biết chủ đầu tư người Trung Quốc có tên ngắn gọn là Wang.

Loại rượu vang từ Chateau có chất lượng tốt nhất và được xếp hàng là Grand Cru, và đây cũng là lần đầu tiên khu vực này được người Trung Quốc mua lại.
 

Lâu đài và vườn nho Bellfont-Belcier ở vùng Bordeaux của Pháp


"Việc phân loại đóng một vai trò rất lớn" - một người phát ngôn cho đơn vị thương thảo hợp đồng nói. Nếu thiếu việc phân loại, "giá cả sẽ không thể như thế" - ông này nói thêm.

Hồi tháng Tám vừa qua, lâu đài và vườn nho Gevrey-Chambertin ở vùng Burgundy đã được bán với giá 8 triệu USD cho một thương gia người Trung Quốc.

Thương vụ ở Bordeaux không gây nhiều ì xèo lắm vì vùng này từ lâu đã có truyền thống cho nước ngoài đầu tư trong ngành công nghiệp rượu vang.

"Điều khác lạ ở chỗ nó diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Họ đã mua 30 bất động sản trong vòng hai năm. Đó mới là vấn đề" - Herve Olivier, một quan chức chịu trách nhiệm về phát triển đất đai nói.

Nhưng điểm đến yêu thích nhất của các đại gia Trung Quốc là Mỹ và Canada.

Khi mà những người Trung Quốc muốn đầu tư đồng tiền của mình mà không muốn làm tăng lạm phát tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, họ nghĩ đến Mỹ. Và ở Mỹ thì không có thành phố nào có lợi lộc nhiều bằng New York từ các vụ mua bán bất động sản của người Trung Quốc.

Các công ty trung gian mua bán bất động sản Mỹ cho biết trong khi các nhóm mua người nước ngoài ở New York - chủ yếu là người Nga và, Brazil, châu Âu - đều yêu cầu có một số hiểu biết về văn hóa để giao dịch thành công, thì không có nhóm khách hàng nào có nhiều thách thức bằng những người Trung Quốc.

Nikki Field của công ty Sotheby’s International Realty cho biết: "Là người Mỹ chúng tôi luôn mong muốn mọi người chấp nhận kiểu kinh doanh của chúng tôi, và họ đã làm vậy. Nhưng điều này không còn đúng với người Trung Quốc. Họ quá đông và có quá nhiều quyền lực. Chúng tôi chính xác là phải chấp nhận kiểu kinh doanh của họ khi giao dịch".
 

Tòa nhà One57.


Để đảm bảo các thương vụ chắc chắn thành công, nhiều công ty trung gian phải tới Trung Quốc thường xuyên, và tham gia các lớp học về điều khoản kinh doanh với Trung Quốc. Và các giao dịch tăng lên ở mức kinh ngạc trong vài năm trở lại đây.

Các khách hàng Trung Quốc cũng không còn trả toàn bộ bằng tiền mặt như những năm trước. Các tháng gần đây, một số người mua trả tiền từ một số khoản vay có trụ sở tại Mỹ. Có vẻ như họ có đòn bẩy tại New York nên họ có thể mua thêm các tài sản khác ở Los Angeles, London và các thành phố khác trên thế giới.

Tính riêng trong năm nay, các tỉ phú Trung Quốc tiếp tục mua các tài sản đẳng cấp và tinh tế như các tòa nhà ở Trung tâm Time Warner, 15 Central Park West và tòa mới nhất là One57.

Tại Los Angeles, New York và thậm chí ở Miami, các khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc, một số người từ Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc. Hồi tháng Năm, một cặp đôi Trung Quốc đã chi 34,5 triệu USD để mua một tòa nhà theo phong cách cung điện Versailles của Pháp tại Đại lộ Hoàng hôn ở Beverly Hills, California.
 

Một cặp đôi Trung Quốc đã chi 34,5 triệu USD để mua một tòa nhà theo phong cách cung điện Versailles của Pháp tại Đại lộ Hoàng hôn ở Beverly Hills, California


Một năm trước, một doanh nhân Hong Kong đã mua tòa nhà gần đó với giá 28 triệu USD. Sáu tháng đầu năm nay ở New York, các căn hộ có diện tích toàn bộ mặt sàn ở Mahattan là One57 với giá vào khoảng 50 triệu USD đã rơi vào các chủ hộ người Trung Quốc.

Tại trung tâm của Los Angeles, một nửa số người mua các căn hộ ở Ritz-Carlton Residences là người châu Á. Một số còn mua buôn: hồi cuối năm ngoái, Fang Yi Liu, một thương gia của Thượng Hải đã mua 17 căn hộ có tổng trị giá 14 triệu USD tại Artech, một tòa nhà kính hiện đại gần Miami.

Các khách hàng đến từ Trung Quốc và Hong Kong chiếm tới 9 tỉ USD trong các thương vụ mua bán nhà đất tại Mỹ trong vòng 12 tháng qua (tính đến tháng Ba năm nay). Con số này đã tăng 89% so với năm 2010 và khiến Trung Quốc trở thành nhóm khách hàng nước ngoài mua nhà tại Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Canada.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị bất động sản nói rằng các con số này vẫn còn qua thấp so với thực tế vì nó không phản ánh các vụ mua bán của cá nhân. Hồi tháng Năm và Sáu vừa qua, một đợt sóng khác lại tràn tới tại phân khúc 'tầm trung' khi các căn hộ được mua rơi vào khoảng 3-6 triệu USD ở Manhattan.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet